Bế mạc COP 28: Việt Nam phải làm gì để thực hiện các cam kết?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:07 GMT+7

VTV.vn - Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã bế mạc ngày 12/12.

Đây là lần đầu tiên COP đánh giá kết quả thực thi cam kết của các quốc gia về cắt giảm phát thải khí nhà kính và huy động các nguồn tài chính để thực hiện và hỗ trợ các nước thực hiện cam kết.

Tuy nhiên, COP 28 đang được cho là chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Nguồn tài chính khí hậu huy động được tại COP năm nay chỉ được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) là COP lớn nhất lịch sử với hơn 97.000 đại biểu tham dự. COP28 cũng được tổ chức tại một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Thế nhưng không vì thế mà COP28 đạt được kết quả như kỳ vọng và như chủ đề của Hội nghị "Gắn kết, hành động, hiệu quả".

Khởi đầu kỳ họp năm nay, COP 28 đã thành công triển khai Quỹ tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ cho các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.

Trong các ngày họp tiếp theo, hàng loạt các cam kết và tuyên bố chung được thông qua. Trong đó, đáng chú ý là cam kết của 130 quốc gia về tăng gấp 3 lần việc áp dụng năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng. Hội nghị COP 28 cũng đạt được các tuyên bố chung về tài chính khí hậu, nông nghiệp và khí hậu, sức khỏe và khí hậu, cũng như cam kết về làm mát toàn cầu.

Trong ngày họp cuối cùng, mọi sự chú ý được dồn vào thỏa thuận hành động chống biến đổi khí hậu. Trong đó, Đề xuất "giảm dần/loại bỏ" việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những nội dung được đưa vào bản dự thảo. Đây là vấn đề mà các đại biểu của gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đang nỗ lực tìm tiếng nói chung.

Tổng thư ký LHQ đã khẳng định hợp tác đa phương vẫn là niềm hy vọng tốt nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu trong thế giới chia rẽ như hiện nay.

2 ngày trước khi COP 28 kết thúc, Chủ tịch COP 28, ông Sultan al-Jaber lên tiếng kêu gọi các nước ra khỏi "vùng an toàn" để cùng nhau đạt được thỏa thuận cuối cùng về xử lý vấn đề nhiên liệu hóa thạch, nguồn phát thải chính làm nhiệt độ trái đất nóng lên. Trong bối cảnh gần như chắc chắn nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận của COP28 về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trong suốt gần ba thập kỷ qua, COP chưa bao giờ đề cập đến vai trò tương lai của nhiên liệu hóa thạch.

Bế mạc COP 28: Việt Nam phải làm gì để thực hiện các cam kết?  - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường nhìn nhận, quá trình đàm phán tại COP 28 về nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trên cơ sở một văn bản dự thảo hiện đang là vấn đề nóng nhất do có nguồn tin cho rằng, các quan chức hàng đầu của OPEC đã kêu gọi các nước thành viên phản đối bất kỳ điều khoản trong văn bản nhằm loại bỏ nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch.

Song song với đó, Saudi Arabia và Nga nhấn mạnh rằng COP 28 chỉ nên tập trung vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, chứ không phải tập trung vào nhiên liệu hóa thạch gây ra biến đổi khí hậu.

Mặt khác, ít nhất 80 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia nghèo, dễ bị tổn thương về khí hậu đang yêu cầu thỏa thuận COP28 có các quyết định rõ ràng về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch COP 28 Sultan al-Jaber cũng đã yêu cầu các quốc gia vào cuối tuần vừa qua tăng tốc công việc để đưa ra thỏa thuận cuối cùng và cho rằng ‘vẫn còn nhiều khác biệt hơn là đồng thuận’.

Nói về chủ đề của COP28 là "Gắn kết, hành động, hiệu quả", ông Cường đánh giá: "Chủ đề COP28 năm nay đã cho thấy sự tham vọng và tích cực của các quốc gia, ngay trong ngày đầu tiên đã thống nhất Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động. COP 28 là lần đầu tiên các bên tiến hành Đánh giá nỗ lực toàn cầu (global stocktake) nhằm đánh giá việc thực hiện mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để các bên cập nhật NDC vào năm 2025".

Ngay ngày 11/12/2023, các nhà đàm phán đã thu hẹp các lựa chọn trong văn bản để có thể đồng thuận về việc nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber, trong cuộc họp báo ngày 11/12 đã nói rằng các cuộc đàm phán đang "đạt được tiến bộ tốt" và chỉ chưa đủ nhanh. Vì vậy, ông triệu tập một buổi họp vào chiều Chủ nhật với một hình thức đàm phán mới, mời các Bộ trưởng từ tất cả các nước ngồi lại với nhau để họp (đúng hơn là trò chuyện) để có thể đi tới sự đồng thuận.

Chủ tịch COP28 kêu gọi mọi người thể hiện tính linh hoạt và chấp nhận thỏa hiệp. Cuộc họp diễn ra ngay tại nơi các Bộ trưởng có thể nghe thấy những người biểu tình ở gần đó kêu gọi chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Chủ tịch COP28 nói: "Thất bại, thiếu tiến bộ hay làm giảm đi tham vọng tại COP28 không phải là một lựa chọn".

Bế mạc COP 28: Việt Nam phải làm gì để thực hiện các cam kết?  - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Hình thức họp mới này dường như hoạt động tốt hơn các phương pháp khác và mang lại những cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu sắc. Các Bộ trưởng đã có một cuộc trao đổi tự do, thẳng thắn và chân thành, giải quyết các vấn đề bằng những câu hỏi, mối quan tâm và đưa ra các giải pháp. Trong khi đó, đại diện EU lặp đi lặp lại lời kêu gọi loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, nói rằng ông nhận thấy "đại đa số" các quốc gia, đại diện cho đại đa số thế giới ủng hộ ngôn ngữ trong văn bản phải thật mạnh mẽ để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Rất nhiều trưởng đoàn đàm phán, bộ trưởng các quốc gia tham gia đều cho thấy cần phải có văn bản rất chặt chẽ và hướng tới việc nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Đồng thời, một phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ban hành ngày 11/12 cho thấy một số cam kết được đưa ra tại COP28 là chuyển sang sử dụng năng lượng sạch với hơn 100 quốc gia đã hứa tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và một số công ty dầu khí cam kết cắt giảm năng lượng tái tạo. Lượng khí thải metan vẫn không đủ để hạn chế sự nóng lên tới 1,5 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

Do đó, chúng ta có thể thấy rằng COP28 có một kết quả khả quan về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Điều chúng ta cần biết bây giờ là các điều khoản về thời gian, mức độ, phạm vi và các nguồn lực để thực hiện điều đó sẽ như thế nào.

COP 28 lần này được coi là cơ hội "cuối cùng" để các nước trên thế giới thực hiện được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Có người coi mục tiêu này là "cuộc chiến sinh tồn". Bởi trong tuần qua, việc thống nhất các giải pháp để đạt được mục tiêu giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng thêm 1,5 độ C đã khó. Có được các cam kết tài chính để thực hiện được mục tiêu này cũng gian nan không kém. Tính đến hết ngày 11/12, 83 tỷ USD là con số mà COP28 huy động được cho các hoạt động đầu tư về khí hậu. Ngoài ra còn có một số cam kết khác.

Bế mạc COP 28: Việt Nam phải làm gì để thực hiện các cam kết?  - Ảnh 3.

Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28). Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao đã tham dự Hội nghị COP 28. Tại hội nghị, có 3 hoạt động chính của Việt Nam thể hiện trách nhiệm, tính tính cực, chủ động với quốc tế. Đó là Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G77 về Biến đổi khí hậu, Tọa đàm về "Đẩy nhanh chuyển đổi điện than", công bố Kế hoạch huy động nguồn lực cho thực hiện Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và thực thi đề án duy nhất trên thế giới về trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, ít phát thải. Trong các bài phát biểu quan trọng với nhiều thông điệp lớn, gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt.

Những lời hứa, tuyên bố và các khoản huy động tài chính của COP28, có một phần không nhỏ dành cho vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là điều rất cần thiết với các quốc gia chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu như Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn kiên định thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình với nguyên tắc "không bị động, không trông chờ, không ỉ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình. Tuy nhiên, cũng cần bảo đảm công bằng, công lý về chống biến đổi khí hậu".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước