Cách đây hơn 3 năm, vụ mua bán ma túy ngay tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc. Mặc dù đang là bệnh nhân có bệnh án tâm thần, phải điều trị bắt buộc vì vi phạm pháp luật, nhưng bệnh nhân đã đi ra khỏi bệnh viện để tiếp tục gây án và mua bán ma túy ngay tại bệnh viện.
Câu chuyện tưởng như là cá biệt, hy hữu, nhưng đây hiện là vấn nạn nhức nhối trong quản lý các đối tượng có bệnh án tâm thần trong các vụ án.
Liên quan trong một vụ án lừa đảo ở Bắc Ninh, vì có bệnh án tâm thần nên đối tượng đã vào điều trị ở bệnh viện tâm thần. Lẽ ra phải ở trong bệnh viện, trên thực tế, đối tượng này đã ra ngoài tiếp tục lừa 20 nạn nhân khác trong 1 vụ án ở Lạng Sơn. Không những vậy, đối tượng đã 4 lần xuất cảnh sang Trung Quốc và đã kịp kết hôn lấy vợ.
Vụ việc tiếp tục xảy ra ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 và đây không phải là trường hợp duy nhất.
"Có những người án nặng hơn mà tôi thấy tháng người ta chỉ đến viện 1 - 2 lần. Người ta cũng đi ra, đi vào suốt. Thậm chí có những người sáng đến chiều về xong sáng hôm sau người ta mới đến", đối tượng có bệnh án tâm thần bị khởi tố 3 tội danh cho biết.
Mặc dù đang là bệnh nhân có bệnh án tâm thần, phải điều trị bắt buộc vì vi phạm pháp luật, nhưng bệnh nhân đã đi ra khỏi bệnh viện để tiếp tục gây án.
"Cơ quan điều tra xác định đối tượng không thể nào là đối tượng bị tâm thần được. Cơ quan điều tra đã tiến hành giám định tâm thần đối với đối tượng Hùng và xác định tại thời điểm gây án, đối tượng Hùng có đầy đủ khả năng nhận thức để thực hiện hành vi phạm tội của mình", Thiếu tá Lộc Văn Hải, Đội trưởng Đội Hình sự, Công an TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, cho hay.
Để được tự do ra vào viện, đối tượng đã nhiều lần chi tiền cho cán bộ y tế. Về việc cho bệnh nhân ra ngoài bệnh viện, bị can Hà Huy Dũng, nguyên Trưởng khoa Điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, lý giải: "Nhân viên y tế do sợ hãi bị nhóm đối tượng, bạn bè anh em xã hội người ta sẵn sàng dọa nạt đến gia đình, bản thân của nhân viên y tế, nên người ta phải mắt nhắm, mắt mở".
Đối tượng vi phạm pháp luật có bệnh án tâm thần đi ra ngoài và tiếp tục vi phạm pháp luật, câu chuyện cứ tái diễn nhiều lần. Tại thời điểm hiện nay, bệnh viện đang quản lý 65 bệnh nhân, nhưng phóng viên ghi nhận chỉ có khoảng một nửa, số còn lại đang ở đâu và có nguy cơ tiếp tục vi phạm pháp luật hay không, vì sao lại tồn tại thực trạng khó tin như vậy?
Theo quy định, tùy theo kết luận của cơ quan giám định tâm thần thuộc Bộ Y tế, các đối tượng có thể bị đưa về bệnh viện điều trị. Vì vậy, không ít đối tượng hình sự đang được quản lý bởi cơ quan công an, vì có bệnh án tâm thần, đã được chuyển sang ngành y tế quản lý. Đại diện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết đó là lý do sâu xa khiến bệnh viện không thể quản lý được các bệnh nhân này.
"Quản lý của y tế không phải quản lý kiểu giam giữ hoặc là quản lý chặt chẽ đối tượng như cơ quan pháp luật là các trại giam giữ, mấu chốt là như vậy, vẫn phải là cơ quan pháp luật quản lý đối tượng", ông Nguyễn Mạnh Phát, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, thông tin.
Không ít đối tượng có bệnh án tâm thần, phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, có hình phạt cao như tội giết người, ma túy... Việc điều trị bệnh là chuyên môn của ngành y tế, nhưng việc giao sự quản lý hoàn toàn các bệnh nhân, là các đối tượng phạm tội nghiêm trọng cho ngành này đã bộc lộ những lỗ hổng dẫn tới các cá nhân có thể lợi dụng để trục lợi hay thiếu trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, thậm chí trong nhiều trường hợp đã biến các y, bác sĩ trở thành tiếp tay cho tội phạm khi các đối tượng này ra ngoài gây án.
Những hệ lụy và nguy cơ gây án từ các đối tượng vi phạm pháp luật mang danh bệnh nhân tâm thần là rất nguy hiểm, nhưng thực tế, bệnh nhân dễ dàng ra ngoài bệnh viện như hiện nay. Điều này cho thấy thực trạng đáng báo động về việc quản lý các đối tượng vi phạm pháp luật có bệnh án tâm thần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!