Tại Bệnh viện Sản - Nhi Kiên Giang đã tiếp nhận trên 600 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Nhiều phụ huynh chủ quan khi tự điều trị cho con em mình tại nhà dẫn đến nhiều trẻ khi vào viện đã chuyển nặng.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng bỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân….Trẻ tiếp xúc với mầm bệnh phải theo dõi trong vòng 7 ngày kể từ ngày tiếp xúc, thời gian ủ bệnh từ 3 - 7 ngày.
Trong trường hợp trẻ không gặp các biến chứng, trẻ có thể hồi phục trong vòng từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát. Tuy nhiên, có một vài trẻ bệnh sẽ chuyển nặng và gặp phải một số biến chứng.
Theo bác sĩ, cách điều trị sai lầm mà hầu hết các bậc phụ huynh thường hay mắc phải chính là bôi thuốc màu lên các mụn bỏng nước, làm che khuất hình dạng, gây ra nhiều khó khăn khi bác sĩ thăm khám và xác định nguyên nhân gây bệnh.
Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng sốt, giật mình, bàn chân, bàn tay có vết loét cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!