Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân

PV-Thứ năm, ngày 18/08/2022 17:01 GMT+7

VTV.vn - Sáng 18/8, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đến thăm và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh viện Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai đề cập đến một số vấn đề như nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu một số thuốc chuyên khoa và thiết bị y tế cũng như việc thực hiện cơ chế tự chủ.

Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân - Ảnh 1.

Ông Dương Đức Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản lý BV Bạch Mai. Ảnh: SK&ĐS

Về vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, theo ông Dương Đức Hùng nhân viên y tế không bỏ đi làm nghề khác, chỉ chuyển từ bệnh viện công sang tư.

BV Bạch Mai đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, chuyển sang thực hiện Nghị Quyết 60; đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... có chính sách đãi ngộ đặc thù với nhân viên y tế.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, qua thời gian thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai mạnh dạn đề xuất chuyển đổi theo mô hình thực hiện theo Nghị định 60 theo nhóm 2 - tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên để "phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Bệnh viện Bạch Mai và trong lúc chờ Chính phủ có hướng dẫn, Bộ Y tế đã hướng dẫn, Bệnh viện tiếp tục tự chủ nhóm 1 nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân - Ảnh 3.

Giám đốc BV Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối. Ảnh: SK&ĐS

Tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị bệnh nhân trong cả nước. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính trên cơ sở 4/7 yếu tố cấu thành giá. Nếu tự chủ, mức giá phí dịch vụ sẽ điều chỉnh tăng, sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Ông Đào Xuân Cơ cho biết, khi Bệnh viện Bạch Mai triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nguồn thu của bệnh viện giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính bệnh viện theo tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng đến sự chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Dịch COVID-19 khiến nguồn thu của bệnh viện giảm khoảng 4.000 tỷ đồng trong hai năm 2020-2021 so với năm 2019. Bệnh viện không được thực hiện quyền tự chủ về giá khám bệnh theo yêu cầu; chưa đủ cơ sở để tính đúng, tính đủ để thực hiện được việc xác định quỹ lương trên doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, nhiều y bác sĩ cũng cho biết mặc dù là bệnh viện hạng đặc biệt, công việc nhiều nhưng phụ cấp trực của y bác sĩ chỉ là... 115.000 đồng/ca, phụ cấp phẫu thuật chỉ 150.000 đồng/ca...

Mặc dù thời gian từ năm 2021 đến nay chỉ có 172 cán bộ nhân viên BV Bạch Mai nghỉ việc, chuyển việc, nhưng trong số đó có các tiến sĩ, phó giáo sư, là giám đốc, phó giám đốc trung tâm đương nhiệm của bệnh viện, nguyên nhân chủ yếu do lương, thu nhập thấp, công việc căng thẳng, vất vả.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, mức phụ cấp 115.000 đồng/ca trực như kể trên đã ban hành từ năm 2011, đến nay đã "rất lạc hậu", đã đề nghị nhiều lần nhưng chưa được sửa đổi.

Cùng với đó, ông Đào Xuân Cơ kiến nghị: Bộ Y tế có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền để tìm phương án tháo gỡ cho phép sử dụng các máy xã hội hoá, liên doanh liên kết để kịp thời phục vụ người bệnh; xây dựng phương án khả thi tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư trang thiết bị y tế. 

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... xây dựng chính sách đãi ngộ đặc thù như phụ cấp thâm niên nghề y, phụ cấp thu hút... đối với cán bộ nhân viên y tế để giảm chuyển dịch nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư...

Trong thời gian chờ Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị cho phép áp dụng giá tương đương theo khung trần giá dịch vụ theo yêu cầu của một số đơn vị đồng hạng trong ngành (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội...).

Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân

Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân - Ảnh 5.

Quyền Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao những nỗ lực của tập thể BV Bạch Mai trong khám chữa bệnh cho nhân dân Ảnh: SK&ĐS

Sau khi lắng nghe các báo cáo, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các Vụ, Cục của Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị từ thực tiễn hoạt động của Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến đầu thầu thuốc, tự chủ nhân lực, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu... và chế độ đãi ngộ với y, bác sỹ.

Liên quan đến vấn đề phụ cấp ưu đãi nghề, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, nhân viên y tế, lương đặc thù cho y bác sỹ, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị và cho phép ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về vấn đề tự chủ, Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan thông tin: Với tinh thần Nghị quyết do Chính phủ giao, bệnh viện muốn chuyển sang hình thức nào (tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 33 hay thực hiện theo Nghị định 60), Bộ Y tế đều phải có tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Đối với các vướng mắc liên quan cơ chế tài chính, Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33; cần thêm hướng dẫn chi tiết như thế nào nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60. Từ đó, Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ để có định hướng triển khai thực hiện.

Quyền Bộ Trưởng Đào Hồng Lan cho hay, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K là 2 đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ và đã có 2 năm thực hiện.

Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn của bệnh viện, người dân - Ảnh 6.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thăm, động viên người bệnh và người nhà bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai Ảnh: SK&ĐS

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, các vướng mắc đa phần liên quan cơ chế tài chính, vì vậy cũng như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai cần có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết nào.

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng tri ân đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, 2 năm dịch COVID-19 vừa qua đã chịu nhiều ảnh hưởng nhưng đã dành nhiều nguồn lực tài chính và nhân lực để hỗ trợ các địa phương chống dịch.

Trước đó, ngày 19/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/ NQ-CP về thí điểm tự chủ tài chính tài 4 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K và Bệnh viện Việt Đức. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 268/ QĐ- TTg ngày 17/2/2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2020-2021; Quyết định số 1423/ QĐ- TTg ngày 17/9/2020 phê duyệt Đề án thí điểm tự chủ của Bệnh viện K giai đoạn 2020-2022.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thí điểm, việc thí điểm tự chủ toàn diện Bệnh viện đã bộc lộ một số hạn chế. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trước khi triển khai thí điểm toàn diện ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức cần hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục các tồn tại sau khi đánh giá triển khai tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai để đảm bảo hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh các bệnh viện ưu tiên chống dịch Covid-19 hiện nay, việc thí điểm nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến sự xáo trộn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước