Béo phì - Thách thức lớn trong đại dịch COVID-19

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 05/03/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - 64% người mắc COVID-19 phải nhập viện là người béo phì. Tỷ lệ tử vong của những người này cũng cao gấp đôi so với người bình thường.

Từ khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ người thừa cân béo phì đã tăng vọt trên khắp thế giới. Những khu vực càng phát triển thì tỷ lệ béo phì càng cao. Đó cũng là mặt trái khi chất lượng đời sống cao hơn.

Tỷ lệ người thừa cân, béo phì tại Việt Nam

Trên thế giới hiện có khoảng hơn 2,1 tỷ người thừa cân, béo phì. Đáng chú ý, con số này không ngừng gia tăng. Trong vòng 50 năm, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần. Hàng năm, có khoảng hơn 3 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến béo phì. Dự kiến đến năm 2050, thế giới sẽ có hơn 4 tỷ người thừa cân, béo phì.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới. Tuy nhiên tỷ lệ người béo phì, thừa cân cũng không ngừng gia tăng trong khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Đối với người trường thành, tỷ lệ thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đáng chú ý, đối với trẻ em, chỉ trong 10 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì đã tăng hơn gấp đôi, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020.

64% bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện là người thừa cân, béo phì

Nếu các chuyên gia y tế có thể đưa ra thời điểm kết thúc đại dịch COVID-19 thì với béo phì - điều ấy là không thể. Béo phì cũng chính là nguyên nhân khiến cho COVID-19 trầm trọng hơn, gây ra những hậu quả nặng nề hơn khi mà có tới 64% tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 cần phải nhập viện là những người thừa cân, béo phì. Và nguy cơ tử vong của những người thừa cân béo phì khi mắc COVID-19 cao gấp đôi so với những người bình thường. Chúng ta sẽ thấy điều này rõ hơn tại nước Mỹ - quốc gia có tỷ lệ người béo phì, thừa cân thuộc hàng cao nhất thế giới.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy béo phì là bệnh nền làm tăng nguy cơ trở nặng và tử vong sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Không chỉ vậy, những người béo phì còn có khả năng bị các biến chứng hậu COVID-19. Một vài thống kê từ Mỹ, quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất trong nhóm OECD sẽ làm rõ hơn điều này.

Béo phì làm tăng nguy cơ biến chứng và tử vong do COVID-19

Theo một nghiên cứu do Trường Y tế Công cộng Toàn cầu Gillings, Đại học North Carolina thực hiện, những người béo phì có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn 46% so với người bình thường.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng họ cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng hơn. Ví dụ như nguy cơ nhập viện cao hơn 113%, nguy cơ cần nằm phòng chăm sóc đặc biệt cao hơn 74% và đáng lo ngại nhất là nguy cơ tử vong cao hơn đến 48%.

Một nghiên cứu trên bệnh nhân COVID-19 nghiêm trọng tại thành phố Seattle đã cho kết quả tương tự. 85% bệnh nhân bị béo phì cần thở máy, so với 64% bệnh nhân không mắc béo phì.

"Báo cáo của chúng tôi cho thấy 90% tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 xảy ra ở các quốc gia có ít nhất 50% dân số thừa cân hoặc béo phì. Ở tất cả các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao, chúng tôi phát hiện ra rằng số ca tử vong do COVID cao gấp 10 lần so với các quốc gia có tỷ lệ thừa cân và béo phì thấp hơn" - Giám đốc phụ trách khoa học và chương trình, Liên đoàn Thế giới về Bệnh béo phì cho biết.

Béo phì là một căn bệnh được xác định khi có chỉ số khối cơ thể BMI từ 30 trở lên. 40 trở lên được coi là béo phì nặng. Một nghiên cứu với hơn 4.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại New York cho thấy béo phì nặng là yếu tố nguy cơ chính phải nhập viện trong tình trạng nghiêm trọng chỉ đứng sau yếu tố tuổi tác.

"Tôi nghĩ điều quan trọng ở đây là đưa ra quyết định dựa trên cơ sở khoa học. Câu chuyện mà chúng ta được truyền thông đưa tin là những người mắc bệnh béo phì lười biếng, không có kỷ luật, thiếu ý chí. Thực tế béo phì là một bệnh đa nguyên nhân. Và nhìn vào dữ liệu, chúng tôi thấy rằng độ tuổi và chỉ số BMI là hai yếu tố dự báo mạnh nhất về tỷ lệ tử vong do COVID" - Giám đốc phụ trách khoa học và chương trình, Liên đoàn Thế giới về Bệnh béo phì nói.

Những nghiên cứu này đã củng cố mối liên hệ giữa béo phì với nguy cơ mắc COVID-19 nặng và cả các biến chứng sau này.

Cách tính chỉ số cân nặng, chiều cao

Để biết một người có béo phì hay không thì có thể quan sát bằng mắt thường. Tuy nhiên, để biết chúng ta có thừa cân hay không thì cần phải có tính toán dựa trên các chỉ số chiều cao cân nặng.

Chỉ số này được gọi là BMI, áp dụng cho người từ 18 tuổi trở lên, khi chiều cao đã gần như đạt ngưỡng tối đa. BMI được tính bằng công thức: cân nặng chia cho 2 lần chiều cao. Đối với người châu Á, nếu kết quả từ 23 đến 25 là thừa cân cho đến tiền béo phì và từ 25 trở lên được gọi là béo phì. Chỉ số bình thường từ 18,5 đến 22,9.

Đó là với người trưởng thành, còn đối với trẻ em thì sao? Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có đến 53% các bậc phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đặt ra một chuẩn nặng cao hơn mức trung bình cho con. Chính vì thế, theo các chuyên gia, để phòng tránh béo phì, điều cần nhất là phải thay đổi quan niệm về chuyện cân nặng của con.

Phòng tránh béo phì - Cần thay đổi từ nhận thức

Trung tâm khám dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì đến khám chỉ chiếm khoảng 10%. Con số này đã cao hơn so với trước đây song vẫn ở mức thấp. Trong đó rất nhiều phụ huynh đưa con béo phì đến khám vì lo lắng con dậy thì sớm, chứ cũng không hẳn vì lý do sức khỏe.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì ở các thành phố lớn cao gấp đôi so với nông thôn, miền núi. Đặc biệt tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì lên đến 40-50%. Điều kiện sống càng cao, trẻ càng có cơ hội tiếp cận với nhiều loại thực phẩm trong khi đó không gian sống lại ngày càng thu hẹp.

Theo Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam: "WHO khuyến nghị các hành động sau đây đối với Chính phủ và các ngành công nghiệp để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh béo phì ở trẻ em: Giảm hàm lượng chất béo, đường và muối trong thực phẩm chế biến sẵn, Có sẵn các lựa chọn lành mạnh và bổ dưỡng với giá cả phải chăng, Hạn chế tiếp thị thực phẩm có nhiều đường, muối và chất béo, đặc biệt là những thực phẩm dành cho trẻ em và thanh thiếu niên và Tạo môi trường hỗ trợ hoạt động thể chất trong trường học và cộng đồng".

Đáng chú ý là trong khi nhiều phụ huynh trẻ tuổi đã bắt đầu có quan điểm tiến bộ, cởi mở về cân nặng của trẻ thì việc sống chung trong một gia đình có nhiều thế hệ lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến cách chăm sóc trẻ.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước