Bí thư Thành ủy Hà Nội: An toàn đến đâu mở cửa đến đó, không mở cửa ồ ạt

PV (t/h)-Thứ tư, ngày 29/09/2021 16:21 GMT+7

Từ ngày 28/9, người dân Hà Nội được tập thể dục ngoài trời nhưng không tập trung quá 10 người (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Chủ trương của TP Hà Nội là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt; chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch.

Trao đổi với báo chí ngày 29/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Nhiệm vụ quan trọng này đòi hỏi sự hợp tác của từng người dân và mỗi tổ chức, doanh nghiệp, bởi nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 vẫn còn.

Một chút lơ là, thành quả sẽ mất

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, nhờ dự báo chính xác tình hình, Thành phố đã áp dụng các biện pháp mạnh ngay từ đầu; đồng thời, điều chỉnh linh hoạt theo từng thời điểm phù hợp với thực tế. Từ giữa tháng 7/2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, số ca mắc mới tăng nhanh. Trước tình hình đó, Thành phố quyết định áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 24/7.

2 tháng qua, Hà Nội đã thực hiện 4 đợt giãn cách xã hội. Chủ động thực hiện giãn cách xã hội là quyết định dũng cảm, kịp thời, đúng và trúng của thành phố để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách xã hội, Thành phố đã triển khai xét nghiệm tầm soát thần tốc, tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm; đã phát hiện và đưa đi cách ly, điều trị kịp thời nhiều ca F0, truy vết và cách ly triệt để các trường hợp F1.

Hà Nội đã thần tốc hoàn thành cơ bản tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho người dân đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên vào ngày 15/9. Nhờ đó, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động ngay từ sáng 16/9, đến ngày 21/9, tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động và ngày 28/9 cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), cho mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: "Sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của COVID-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vacicne mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vaccine từ Bộ Y tế. Tâm lý một bộ phận người dân lại rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang".

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm giúp Hà Nội khống chế dịch thành công, không để bùng phát mạnh trong gần 5 tháng qua là dựa vào dân, huy động được sức dân tham gia chống dịch. Người dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng, chống dịch tại Thủ đô. Bên cạnh vai trò nòng cốt là lực lượng tuyến đầu, việc thành phố có thể nới lỏng các hoạt động như hiện nay chính là thành quả, là công sức đóng góp của nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: An toàn đến đâu mở cửa đến đó, không mở cửa ồ ạt - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại quận Bắc Từ Liêm tháng 9/2021 (Ảnh: VGP)

Vì vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị mỗi người dân thủ đô tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng thành phố bảo vệ thành quả này, tự giác thực hiện nghiêm "5K", quét mã QR khai báo y tế khi đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, không tụ tập quá 10 người nơi công cộng... Vì chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất.

Đề cập đến là chủ trương phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dũng nhấn mạnh, chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp chủ động có phương án thích ứng với dịch bệnh, chuyển đổi số, tổ chức lại sản xuất kinh doanh bảo đảm vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, Thường trực Thành ủy cũng đã giao cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp ghi nhận các kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Các cấp, các ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà doanh nghiệp…

3 biện pháp trọng tâm để Hà Nội thích ứng an toàn với dịch

Theo Bí thư Đinh Tiến Dũng, Hà Nội sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Song song với các biện pháp đồng bộ, toàn diện, có 3 biện pháp trọng tâm mà Hà Nội sẽ tập trung thực hiện.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, người dân phải thực hiện "5K", tuân thủ khai báo y tế, quét mã QR, đưa việc này trở thành thói quen, nếp sống hằng ngày. Thành phố mong rằng, cùng với người dân, các doanh nghiệp sẽ thực sự là chủ thể, là trung tâm trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; có phương án sản xuất an toàn; an toàn để sản xuất, sản xuất phải bảo đảm an toàn.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, nâng cao khả năng dự báo và đáp ứng phòng chống dịch của hệ thống y tế dự phòng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các bệnh viện; trọng tâm là chuẩn bị các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm ở mức cao hơn trên nguyên tắc là không để F0 phải điều trị tại nhà; phát hiện sớm, điều trị ngay, giảm tối đa các ca bệnh chuyển nặng, các ca tử vong.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, tăng cường thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2 - 3 ngày/lần tại các điểm phong tỏa, điểm có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các trường hợp ho, sốt tại cộng đồng và nhóm đối tượng nguy cơ khác để kiểm soát lây lan dịch bệnh.

Vì vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin, nhập liệu ngay sau khi tiêm... Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn về hoạt động của người đã tiêm 1 mũi vaccine và tiêm đủ 2 mũi vaccine để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng phương án kiểm soát linh hoạt dịch bệnh, bước vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước