Biện pháp phòng chống dịch sẽ thay đổi thế nào nếu COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 09/02/2022 19:23 GMT+7

VTV.vn - COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn nhưng dần dần nó không còn là một đại dịch mà sẽ chuyển sang giai đoạn là một bệnh đặc hữu.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia y tế trên thế giới. Mới đây nhất, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa. Hàn Quốc đã quyết định dừng công thức "3T" đang áp dụng là: xét nghiệm, truy tìm và điều trị, áp dụng ngay trong lúc số ca mắc mới do Omicron đang tăng vọt lên trên 30 nghìn ca/ngày. Trước đó, nhiều quốc gia khác cũng đã đưa ra những quyết định tương tự...

Thái Lan cũng lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu theo một bộ tiêu chí riêng và không cần chờ hướng dẫn hay quyết định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật, bao gồm không quá 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tỉ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19.

Các nước châu Âu cũng đang dần coi COVID 19 là bệnh đặc hữu. Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez tuyên bố người dân sẽ phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như với nhiều loại virus khác, đồng thời nhấn mạnh rằng đất nước sẽ sớm điều chỉnh cách tiếp cận với COVID-19. Bắt đầu từ ngày 10/2, quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời sẽ chính thức được dỡ bỏ tại nước này.

Biện pháp phòng chống dịch sẽ thay đổi thế nào nếu COVID-19 được coi là bệnh đặc hữu? - Ảnh 1.

Tại Anh, nước này cũng đã cải tiến chiến lược đối phó với COVID-19 ngay từ những ngày đầu năm 2022. Các thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh.

Tại Pháp, Bộ Y tế nước này cho biết số ca nhiễm lớn và tỉ lệ phủ vaccine cao đồng nghĩa đợt dịch hiện tại có thể là đợt dịch nghiêm trọng cuối cùng.

Đan Mạch, một quốc gia EU khác, đầu tháng này đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng dịch và xem COVID-19 là căn bệnh không còn gây ra mối đe dọa cho xã hội.

Tại Mỹ, cách đây 1 tháng, thời điểm Mỹ vẫn liên tiếp ghi nhận số ca mới ở mức cao, chuyên gia y tế cấp cao của nước này cũng đã nhận định COVID-19 sẽ trở thành "bệnh đặc hữu" giống như bệnh cúm vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo còn quá sớm để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu như cúm. Hay như một chuyên gia an toàn sinh học Australia lại cảnh báo "COVID-19 sẽ không biến chuyển thành bệnh truyền nhiễm đặc hữu. Nó sẽ tiếp tục gây ra các làn sóng dịch bệnh".

Còn tại Việt Nam, khi COVID-19 không còn là đại dịch mà coi là bệnh đặc hữu thì chúng ta sẽ thay đổi phương thức chống dịch như thế nào? Về vấn đề này, PGS.TSTrần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết: "Từ trước đến nay, chúng ta vẫn nói COVID-19 là bệnh diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta vẫn phải theo dõi nhưng về quan điểm, hiện nay, nhiều nhà khoa học và cả bản thân tôi cho rằng có thể chuyển thành bệnh đặc hữu. Việc Việt Nam có chuyển COVID-19 thành bệnh đặc hữu hay không thì chúng ta nhìn vào sự biến chuyển của virus và vấn đề quốc tế, năng lực kiểm soát trong nước.

Chiến lược ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả là chiến lược của phòng chống bệnh truyền nhiễm. Khi chúng ta thay đổi COVID-19 thành bệnh đặc hữu thì chiến lược đó vẫn còn nguyên giá trị nhưng trong từng giải pháp, chúng ta sẽ có những thay đổi.

Như vấn đề xét nghiệm, lúc đó không thể xét nghiệm toàn dân hoặc tất cả ca mắc nữa mà chỉ cần xét nghiệm ca nặng vào viện. Còn giám sát, xét nghiệm để dự báo dịch, để đánh giá xu hướng dịch thì làm giám sát trọng điểm, giám sát một vùng nào đó... Tôi cho rằng, tùy diễn biến của dịch, năng lực, phát triển khoa học của biện pháp phòng chống mà chúng ta áp dụng cho phù hợp

Chúng tôi nghĩ rằng cần phải chuyển, nếu không chuyển chúng ta không phát triển kinh tế - xã hội được. Chúng ta đang đi theo đúng trào lưu thế giới. Việt Nam sẽ sớm có biện pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch có hiệu quả theo từng thời điểm, theo từng diễn biến dịch để chuyển đổi làm sao "dĩ bất biến, ứng vạn biến".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước