BĐBP Cà Mau đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân để nâng cao nhận thức, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Điều này đã làm thay đổi nhân thức của người dân được cho là có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống khai thác IUU.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân
Trong các biện pháp thì việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Vì vậy, thời gian qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đồn, trạm Biên phòng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng trên địa bàn nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU; thông tin về sự gia tăng hoạt động tuần tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm của lực lượng chức năng các nước, để chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, không đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân
Theo ghi nhận, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác hải sản, nhất là tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây; ngư dân ghi chép nhật ký, cặp cảng, rời cảng và khai báo truy xuất nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật; 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và các thủ tục giấy tờ, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển. Và theo thông tin mới nhất, từ ngày 01/12/ 2022 các lô hàng thủy sản và sản phẩm được chế biến từ mực ống, mực nang, cá thu, cá thu đao, cá trích của Việt Nam khi xuất vào thị trường Nhật bản thì phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác. Nói cách khác áp dụng các thủ tục giống với thị trường EU đang áp dụng với thủy sản Việt Nam. Vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát, ghi chép nhật ký khai thác được BĐBP tăng cường nhắc nhở ngư dân.
Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân
Thượng úy Võ Thanh Bằng – Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng, Đồn BP Sông Đốc cho biết, không chỉ chấp hành quy định ra vào cửa biển, mà khi hoạt động trên biển ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường của ngư dân đã góp phần quan trọng làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân khi đánh bắt thủy, hải sản trên biển, không vi phạm các quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, BĐBP và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác IUU theo quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!