Trong đó, đáng chú ý là bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin vào thẻ Căn cước công dân như: thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Đây là những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân.
Về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng cho công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên. Theo đó, với công dân là trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh. Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em.
Theo dự thảo Luật Căn cước công dân, ngoài những thông tin vẫn được giữ nguyên như hiện nay, Bộ Công an đề xuất thay đổi một số thông tin khác trên thẻ Căn cước công dân.
Cụ thể, "Số thẻ Căn cước công dân" được thay bằng "Số định danh cá nhân"; "Quê quán" thay bằng "Nơi đăng ký khai sinh; "Nơi thường trú" thay bằng "Nơi cư trú".
Bên cạnh đó, trên thẻ có thể không còn vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Song, trong quá trình làm thủ tục cấp Căn cước công dân, cán bộ công an vẫn thu thập vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ. Thông tin này không còn được lưu trên thẻ mà được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước để đối chiếu, nhận dạng khi cần.
Nếu dự thảo Luật Căn cước công dân mới được thông qua, Bộ Công an sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể về mẫu thẻ Căn cước công dân mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!