Trong 2 năm tới, ngành đường sắt sẽ có hơn 110 đầu máy và hơn 1.500 toa xe hết niên hạn sử dụng. Đầu tư thay mới để đảm bảo năng lực vận tải thì nguồn vốn quá lớn nên ngành đường sắt một lần nữa đề xuất được kéo dài niên hạn. Vậy đề xuất này có hợp lý và chất lượng kỹ thuật của những đầu máy toa xe hết niên hạn theo quy định hiện nay, có còn đảm bảo an toàn để vận hành hay không?
Theo thống kê của ngành đường sắt, hơn 110 đầu máy như thế sẽ bị loại bỏ, chiếm gần một nửa số lượng đầu máy hiện có của ngành.
Đến 1/1/2024 sẽ có 38 đầu máy, 74 toa xe khách, 391 toa xe hàng hết niên hạn và con số này sẽ tiếp tục tăng thêm vào các năm 2025, 2026. Ảnh: Báo Giao thông
Theo ông Thắng, Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, như vậy vừa ảnh hưởng đến hoạt động vận tải vừa lãng phí khi chất lượng an toàn kỹ thuật của đầu máy, toa xe luôn được bảo dưỡng và kiểm tra giám sát nghiêm ngặt.
Theo quy định hiện nay, khi đầu máy hoạt động đủ 2.000 km sẽ được đưa vào xưởng kiểm tra. Các cấp tiếp theo là 15.000, 100.000 và 200.000 km sẽ được sửa chữa từ nhỏ đến lớn. Khi đầu máy hoạt động đủ 800.000 km sẽ được đại tu. Mọi chi tiết của đầu máy sẽ được kiểm tra sửa chữa và thay thế.
Hơn thế nữa, theo giáo sư tiến sĩ Lã Ngọc Khuê - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, với đặc thù của đường sắt, chất lượng đầu máy toa xe đã tự được kiểm định trong khi vận hành.
Mục tiêu của quy định niên hạn sử dụng với đầu máy toa xe là để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện cũng không có căn cứ khoa học nào khẳng định đầu máy, toa xe sử dụng 40 - 45 năm sẽ không đủ điều kiện để hoạt động. Các nước trên thế giới cũng không áp dụng quy định này. Đây là cơ sở để có thể xem xét kéo dài niên hạn sử dụng với đầu máy, toa xe.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!