Hết tháng 10, gần 430.000 lao động có việc làm nhờ vốn chính sách. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 181 về việc điều chỉnh nhiệm vụ chi thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 11.
Nghị quyết nêu rõ, điều chỉnh kế hoạch vốn dự kiến không giải ngân hết của 4 chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 15.500 tỷ đồng.
Số vốn này bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đảm bảo tổng dư nợ các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11 ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đến 31/12/2023 tối đa là 38.400 tỷ đồng.
Hết tháng 10, gần 430.000 lao động có việc làm nhờ vốn chính sách, gần 7.000 lao động đi làm việc, hơn 1,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay gần 75.000 tỷ đồng vốn chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Theo Nghị quyết, đối tượng hỗ trợ bao gồm: người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.
Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022 - 2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!