Ai cũng nói thế giới này giờ là của thế hệ trẻ, của các bạn gen Z, nhưng giữa một xã hội cạnh tranh khốc liệt thì những chủ nhân trẻ cũng đang phải chịu những áp lực không hề nhỏ. Ra trường, bước chân đi tìm việc làm, nhiều bạn vỡ lẽ cuộc sống đôi khi không là mơ. Họ đang phải đối mặt với một áp lực mới - Áp lực tìm việc làm.
Áp lực tìm việc ấy lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh hiện nay, khi theo báo cáo xu hướng nhân sự nửa đầu năm 2023 được Anphabe công bố vào tối 26/7. Theo báo cáo, từ tháng 9/2022 đến tháng 5/2023, trung bình cứ 10 doanh nghiệp Việt Nam thì có 3 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự với quy mô khác nhau để giảm chi phí. Điều này khiến cho 13% lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão sa thải. Đây là kết quả được lấy từ khảo sát hơn 6.000 lao động, phỏng vấn 30 CEO và 120 giám đốc nhân sự.
Sinh viên ra trường chật vật kiếm việc làm
Sau khi tốt nghiệp ở một trường đại học lớn ở Hà Nội, cầm tấm bằng giỏi trên tay, đó vừa là vinh dự, nhưng cũng là áp lực đối với một chàng trai giấu tên. "Họ không quan tâm đến tấm bằng của mình, lúc đó mình thật sự khá sốc và hụt hẫng vì cứ nghĩ rằng có tấm bằng giỏi thì bản thân mình dễ dàng có công việc ổn định giống như mình mong ước. Nhưng sự thật không là thế..." - chàng trai chia sẻ.
Kiên nhẫn, trông chờ vào tấm bằng đại học đạt loại giỏi ngành kinh tế chất lượng cao tại một trường đại học. Sự thật phũ phàng chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ. "Mình rất khó khăn trong quá trình đi tìm việc, rải CV rất nhiều công ty khác nhau, đến tận hơn 80 công ty thì 1/10 phản hồi lại, rất ít công ty có phản hồi mình phù hợp với yêu cầu. Thế nên mình đã tìm đến cả những công việc trái với ngành học của mình. Cảm thấy thất vọng về bản thân mình" - một sinh viên mới tốt nghiệp khác chia sẻ.
Thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề sau khi ra trường cũng là nỗi lo chung của nhiều người trẻ hiện nay. Trên mạng xã hội, những hội nhóm tìm việc làm ngày càng nhiều với số lượng thành viên lên tới hàng trăm nghìn người. Nhưng đi kèm với nó là sự cạnh tranh và rủi ro cũng rất lớn.
Anh Lê Sỹ Tấn - Admin Group "Bạn đã có việc làm chưa?" cho biết: "Mông lung khi đi tìm việc, bị lừa vào một nơi đa cấp, mình cũng không thể ngờ được. Trong 2 năm vừa rồi, mình nhận được hơn 8.000 CV, nhu cầu của các bạn rất lớn. Các bạn không chỉ phải cạnh tranh với những bạn vừa ra trường giống mình mà còn phải cạnh tranh với những anh chị đã có 1-2-3 năm kinh nghiệm. Bởi vì thời điểm này kinh tế khó khăn, nhiều công ty cắt giảm hoặc ngừng tuyển. Các bạn không chỉ cạnh tranh gay gắt mà khốc liệt hơn rất nhiều".
Bằng đã có trong tay, nhưng vận may có tới hay không cũng vẫn còn là câu hỏi lớn của nhiều người trẻ đang chật vật để tìm kiếm công việc phù hợp hiện nay.
Xoay sở nhiều nghề để trang trải cuộc sống
Với nhiều nhà tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc là phần đầu tiên trong CV ứng viên họ tìm đọc. Vì thông qua những thông tin này, họ biết được các công việc mà ứng viên đã làm trước đó, cân nhắc liệu nó có phù hợp với vị trí đang tuyển dụng hay không. Nhưng đó cũng là điểm yếu của nhiều sinh viên mới ra trường.
Tất nhiên, trong những bài tư vấn tuyển dụng, vẫn có những lời khuyên rằng: kinh nghiệm của người mới ra trường là những hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học tại nhà trường. Nhưng thực tế trong nhiều trường hợp cho thấy, từng ấy trải nghiệm là chưa đủ.
Với những sinh viên mãi chưa tìm được việc lúc này, họ chỉ còn lựa chọn là làm một công việc khác có yêu cầu thấp hơn. Vì muốn thực hiện ước mơ, mục tiêu tương lai, suy cho cùng thì cần phải sống trước đã.
"Mình tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, nhưng chưa tìm được việc làm như ý nên chạy thêm kiếm thêm thu nhập. Thu nhập của mình không ổn định ở Hà Nội nên mình phải làm công việc thêm như chạy xe ôm, chạy ship. Lương ít nhưng mình phải cố gắng, áp lực chứ!" - một người lái xe công nghệ cho biết.
Gen Z thay đổi để làm chủ công việc
Theo số liệu được đưa ra ở Hội thảo "Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện" do Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức, gen Z là một thế hệ bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. Có 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu. Tất nhiên, tìm kiếm việc làm - xây dựng sự nghiệp sẽ là một trong những lý do chính để lo âu.
"Tích cực lên, đừng trầm cảm nữa!" đó thực sự là một câu động viên đầy sáo rỗng. Quan trọng là tìm ra giải pháp và thực hiện ngay, vì thời gian không đợi ai. Lúc này giải pháp của nhiều người trẻ là tìm một công việc nào đó để duy trì cuộc sống song song với việc liên tục nâng cao "kinh nghiệm" làm việc trong lĩnh vực mong muốn của bản thân. Hoặc táo bạo hơn là quyết định rẽ hướng, sống theo một đam mê nào đó của bản thân. Chẳng có hành trình nào dễ dàng và rất có thể các quyết định đã được đưa ra là không chính xác. Nhưng suy cho cùng, sai lầm thì có thể sửa chữa, nhưng không dám sai lầm mới chính là điều không thể sửa chữa thêm được gì. Câu chuyện của những bạn trẻ dám nghĩ dám làm, nghĩ cách mới để mở ra những cánh cửa mới là một ví dụ.
Tăng Chính Nghĩa - chủ tiệm bánh ở Hà Nội.
Tăng Chính Nghĩa, sinh năm 2000, chàng trai trẻ này đã quyết định nghỉ học sau 1 năm bước chân vào giảng đường đại học, để rẽ ngang sang con đường làm bánh.
Nghĩa chia sẻ: "Khi mình quyết định nghỉ học, mình cũng rất trăn trở, nhưng theo học thì mình cảm thấy mình không phù hợp với môi trường đấy nữa. Mình quyết định cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra. Mình nhớ hồi mới mở tiệm bánh chưa có khách hàng nhiều. Lúc đấy cũng rất 'trầm cảm' bởi bánh làm ra mà không ai mua cả, mà vứt đi thì rất tiếc. Cứ dần dần mình làm bằng những tâm huyết của mình thì khách hàng sẽ quay lại".
Không từ bỏ ước mơ sau nhiều lần vấp ngã, lại thêm lợi thế về kỹ năng của người trẻ, Nghĩa đã vừa mở được tiệm bánh thứ 2 tại Hà Nội. Đây là thành quả không hề dễ dàng với một chàng trai chỉ mới 23 tuổi.
"Thế hệ gen Z chúng mình dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi. Chúng mình tiếp cận khách hàng qua rất nhiều mạng xã hội. Sự khác biệt là sự năng động, sự trẻ trung" - Nghĩa bật mí.
Nghĩa cho biết tiếp cận khách hàng qua rất nhiều mạng xã hội.
Hai cô gái Nguyễn Thị Dung và Phan Thị Đào dù đã ra trường được 4 năm nhưng vẫn đang rất hứng thú với một lĩnh vực hoàn toàn mới. Một người quê Sơn La, một người quê Hưng Yên, cơ duyên gặp gỡ và chung lý tưởng đã giúp 2 bạn đồng hành được với nhau
Kênh TikTok "Đào Dung - Về Tây Bắc" là nơi để 2 cô gái quảng bá văn hóa bản địa, đặc biệt là đưa nông sản sạch của bà con vùng cao đến gần hơn với căn bếp của người thành thị.
Đào chia sẻ: "Có 1 kỉ niệm gần đây nhất khi mà bà con báo là có rất nhiều bơ mà bơ Mộc Châu rất ngon, tuy nhiên bà con không thể bán được. Mình với Dung nghĩ là đăng vui vui để giúp bà con xem bán được bao nhiêu thì được. Nhưng không thể ngờ nhờ một bài post vui vui đó mà giúp bà con tiêu thụ được gần 3 tạ bơ".
Đào và Dung theo đuổi đam mê của mình.
Niềm vui của người nông dân giờ đây cũng là niềm vui của các cô gái trẻ. Dù có lấm lem, công việc cực nhọc hơn, nhưng chỉ cần được sống tự do và giúp ích cho cộng đồng, thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
"Khi các bạn có kỹ năng, kiến thức, lập trường của mình thì các bạn có thể tự do theo đuổi đam mê của mình. Và cũng không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào thời gian đầu. Bởi khi mình trải qua những khó khăn, bài học thì mình sẽ trưởng thành hơn" - Đào nhắn nhủ tới các bạn trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!