Bổ sung 3 loại thuốc kháng virus vào phác đồ điều trị COVID-19

N.M (t/h)-Thứ năm, ngày 07/10/2021 06:24 GMT+7

Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân triệu chứng trung bình, nặng. Ảnh: SK&ĐS

VTV.vn - Ngày 6/10, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cập nhật lần thứ 7, thay thế phiên bản vừa ban hành tháng 7/2021.

So với hướng dẫn cũ, trong hướng dẫn lần này, Bộ Y tế bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, thuốc ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới.

Trong đó, 3 thuốc kháng virus được đưa vào hướng dẫn gồm:

Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng.

Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC) hoặc thở máy không xâm nhập; nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason).

Ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (BMI > 25).

Không nên bắt đầu sử dụng cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, chạy ECMO. Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Favipiravir 200mg dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Monulpiravir 400mg dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ với lưu ý liều dùng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Cùng với đó, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn điều trị dự phòng sớm bằng corticoid, chống đông máu.

Tiêu chuẩn ra viện đã điều chỉnh giảm số lần xét nghiệm RT-PCR xuống còn 1 lần (thay vì tối thiểu 2 lần như trước) và bệnh nhân không xét nghiệm sau khi ra viện trong thời gian theo dõi tại nhà.

Người mắc COVID-19 ra viện khi về nhà chỉ thực hiện theo dõi tại nhà, chỉ yêu cầu cách ly y tế với những trường hợp có xét nghiệm dương tính kéo dài và phải cách ly tại cơ sở y tế 21 ngày trở lên.

Hướng dẫn phiên bản lần thứ 7 của Bộ Y tế cũng ghi rõ chú ý trong điều trị chống cơn bão Cytokin đối với bệnh nhân COVID-19

Bổ sung 3 loại thuốc kháng virus vào phác đồ điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh. Ảnh: SK&ĐS

- Khởi đầu tăng liều ngay khi có dấu hiệu chuyển độ nặng của bệnh.

- Sử dụng Corticoid liều cao nên duy trì <7 ngày và giảm liều ngay khi có cải thiện lâm sàng để tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.

- Theo dõi đáp ứng điều trị: triệu chứng lâm sàng cải thiện, kết quả xét nghiệm các chỉ số viêm (CRP, IL-6, LDH, Ferritin...). Nếu không cải thiện, phối hợp sử dụng kháng thể đơn dòng ức chế IL-6, lọc máu.

- Chú ý tầm soát nhiễm khuẩn, nấm thứ phát.

- Chú ý điều chỉnh đường huyết và điện giải.

- Có thể dùng cùng lúc với các thuốc kháng thể đơn dòng, kháng IL-6 hoặc remdesivir.

Về triệu chứng lâm sàng của người mắc COVID-19

Hướng dẫn "Chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus SARS-CoV-2" cho biết, thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày, thể Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

Ở giai đoạn khởi phát: Chủng Alpha có các biểu hiiện sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...

Chủng mới (Delta): đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, tiêu chảy, khó thở, đau cơ.

Diễn biến:

- Đối với thể Alpha, 80% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, 20% bệnh nhân diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5 - 10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với biểu hiện suy hô hấp cấp, tổn thương phổi do COVID-19, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng cơ quan bao gồm tổn thương thận cấp, tổn thương não, tổn thương tim và dẫn đến tử vong.

- Đối với thể Delta, tỉ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4.2% alpha), tỉ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra, chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra, chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây cao hơn 15 - 20% so với chủng khác.

Giai đoạn hồi phục của bệnh nhân COVID-19

- Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7 - 10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

- Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2 - 3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

- Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

- Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2 gặp các rối loạn kéo dài: bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước