Chiều 30/1, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội họp trực tuyến với các quận/huyện, xã/phường để triển khai các biện pháp không để dịch bệnh lây lan.
Liên quan đến kế hoạch bắn pháo hoa chào mừng thành công Đại hội XII của Đảng, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết mọi lực lượng đã sẵn sàng. Trong sáng 31/1, trận địa pháo hoa sẽ hoàn thành. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, Bộ Tư lệnh Thủ đô đề nghị tạm dừng bắn pháo hoa vào đêm 2/2 để phòng ngừa dịch bệnh.
Hiện, tại Hà Nội đã xuất hiện các trường hợp mắc ngoài cộng đồng, các trường hợp này di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, đã có những trường hợp là F1, F2 dương tính chuyển thành F0 nên nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực và cho nhiều người tiếp xúc. Theo nhận định, trong thời gian tới, Hà Nội có thể tiếp tục ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhắc nhở: "Việc truy vết, thông tin, mọi phần việc phải nhanh hơn nữa; công khai minh bạch đến người dân". Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhắc nhở các đơn vị siết chặt công tác cách ly; đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền để người dân thực hiện khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế; hạn chế tối đa tập trung đông người; mở rộng diện xét nghiệm đới với người đã từng đi, đến, về từ TP Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 1/1 và sân bay Vân Đồn từ ngày 5/1; tăng cường kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh ở các cơ sở y tế…
"Các đơn vị phải báo cáo công tác phòng chống dịch 3 lần 1 ngày theo đúng quy định" - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Hà Nội đã có 4 ca mắc COVID-19 lây từ các ổ dịch mới (Ảnh: TTXVN)
Tại phiên họp, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) đánh giá, Hà Nội đã thực hiện bài bản các biện pháp phòng chống dịch; không chủ quan hay thái quá như một số địa phương khác.
"Việc giám sát, phát hiện trên diện rộng hiện nay là việc chủ đạo để truy vết, khoanh vùng dập dịch thành công. Lúc này chúng ta phải xác định chung sống an toàn với dịch như thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người. Đây là việc cần tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm. Hà Nội khuyến cáo cụ thể không tụ tập như liên hoan, tất niên là rất hay để người dân thực hiện, nói chung chung rất khó làm", ông Phu nói.
Trước báo cáo của các quận, huyện, cho rằng việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với ca bệnh còn chậm, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhắc nhở quận Hai Bà Trưng cũng như các địa bàn khác có ca mắc COVID-19 cần nhanh chóng lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm ngay để có biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan bởi: "Chủng virus mới lây lan nhanh mà chậm thì không thể ngăn chặn dịch bệnh".
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng lưu ý, hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh đã hiển hiện và cầng những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ TP đến xã phường thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và các phần việc đã được nêu rõ trong Công điện số 02 của Chủ tịch UBND TP.
Các sở, ban, ngành, UBND quận huyện, thị xã, phải xây dựng ngay các kịch bản chi tiết phòng chống dịch trong các tình huống; phân công rõ nhiệm vụ đến từng lực lượng như bảo vệ dân phố, khu dân cư; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm đúng đối tượng, không gây lãng phí; chủ động rà soát người về từ vùng dịch, truy vết thần tốc, ngăn chặn lây lan dịch bệnh.
Từ ngày 28/01/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 mới tại cộng đồng. Cụ thể là các bệnh nhân: BN1581, nữ tại Times City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; BN1654, nam tại Thôn Hồ Sếu, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương; BN 1694, nam, công nhân nhà máy Z153 - Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, huyện Đông Anh; BN1695, nam, công nhân nhà máy Z153 - Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng, huyện Đông Anh. Đáng chú ý, liên quan đến BN1694 đã có trường hợp F1 trở thành F0. Đó là BN1695 - nam, 34 tuổi, công nhân làm cùng BN1694. Đến nay đã xác minh được 65 trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm, hiện chưa có kết quả. Với các ca bệnh khác, các trường hợp F1 đều có xét nghiệm âm tính lần 1; 1.022 trường hợp F2 tiếp tục được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà đúng quy định.
Nhận định tình hình dịch bệnh, lãnh đạo Sở Y tế và CDC Hà Nội đều cho rằng hiện nay nguy cơ lây lan là rất lớn vì đã có trường hợp F1, F2 thành F0. Tuy nhiên các trường hợp này đều liên quan đến ổ dịch ở Quảng Ninh và Hải Dương, nên hiện tại dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát.
Chiều 30/1/2021, Đại hội XIII đã chính thức tiến hành thủ tục bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Ảnh: TTXVN.
Sau khi hoàn thành công tác bỏ phiếu và kiểm phiếu, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương khóa XII thay mặt Ban Kiểm phiếu Đại hội báo cáo kết quả bầu cử, công bố danh sách các đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là 200 Ủy viên, trong đó có 180 Ủy viên chính thức, 20 Ủy viên dự khuyết. Nội dung này đã được Đại hội thông qua ngày 28/1.
Tại họp báo trước Đại hội, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính cho biết, các Ủy viên Trung ương khóa XIII được cơ cấu đảm bảo 3 độ tuổi: dưới 50, từ 50-60, từ 61 tuổi trở lên. Trong đó, số Ủy viên Trung ương phấn đấu dưới 50 tuổi khoảng 15-20%; từ 50 - 60 khoảng 70%; 61 tuổi trở lên trên dưới 10%; cán bộ trẻ khoảng trên 10%, nữ khoảng 12%.
Ứng viên để bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có số dư từ 10-15%. Đại hội có thể đề cử, giới thiệu thêm nhưng không quá 30%.
Ngày mai, Chủ nhật, 31/1/2021, Đại hội nghỉ.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!