Nguy cơ COVID-19 xâm nhập Việt Nam vẫn luôn hiện hữu

Hải Minh-Thứ ba, ngày 24/11/2020 15:41 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc họp sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương nêu cao cảnh giác trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.

Sáng 24/11, trong hội nghị trực tuyến "Tăng cường công tác, phòng, chống COVID-19 trong tình hình mới" do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thanh Long cho hay Việt Nam đã trải qua 83 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, tuy nhiên, chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác.

Hiện tại, trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp với hàng trăm nghìn ca mắc mới mỗi ngày và chưa có xu hướng được kiểm soát. Chưa có báo cáo nào cho thấy virus Sars-CoV-2 đã biến thể so với trước đây nhưng tốc độ lây nhiễm cao. Việc càng ngày càng nhiều người nhiễm khiến quần thể lây nhiễm ở các nước rất cao, chính vì lẽ đó, việc phòng chống COVID-19 trở nên khó khăn hơn rất nhiều tại các quốc gia ngoài Việt Nam.

Nguy cơ COVID-19 xâm nhập Việt Nam vẫn luôn hiện hữu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là "rất lớn và hiện hữu". (Ảnh: Bộ Y tế)

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cũng nhận định nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ nước ngoài vào Việt Nam vẫn là rất lớn – đặc biệt từ nguồn nhập cảnh trái phép. Số liệu từ cuộc họp sáng 24/11 cho thấy Việt Nam có hơn 5000 người nhập cảnh và xuất cảnh trong ngày 23/11. Trong đó, khu vực phía Bắc phát hiện 77 trường hợp nhập cảnh trái phép, khu vực phía nam cũng phát hiện một vài trường hợp. Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc kiểm soát chặt biên giới.

Nguy cơ COVID-19 xâm nhập Việt Nam vẫn luôn hiện hữu - Ảnh 2.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép rất đa dạng – từ tìm cách lưu trú ở nhà nghỉ khách sạn, trốn tránh kiểm tra, làm giả giấy tờ kéo dài thời gian ở Việt Nam dù đã hết hạn visa… cho đến những trường hợp lẩn trốn trên phương tiện vận chuyển hàng hóa như xe tải, container, trà trộn tàu hàng cá…

Ngoài thách thức trong việc kiểm soát biên giới, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lo ngại tình trạng nhiều địa phương có lơ là trong giám sát thực hiện cách ly theo quy định, đặc biệt là khu lưu trú dân sự hay khách sạn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thành Long, chúng ta không thể đảm bảo 100% ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch COVID-19 nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý. Và khi đó, nguy cơ COVID-19 tái xâm nhập vào Việt Nam vẫn hiện hữu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương phải tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm để không bỏ sót các trường hợp mắc COVID-19, đồng thời, luôn chuẩn bị cho tình huống xấu là dịch xảy ra trên địa bàn, để bình tĩnh đối phó khi bùng dịch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương đối với thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước có dịch – phải được xét nghiệm virus gây bệnh COVID-19 để tránh bệnh xâm nhập Việt Nam.

Bộ Y tế chỉ thị tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19


Ngày 24/11, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-BYT về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa Đông Xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội.

Trong nước, tình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát. Cả nước đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua. Do đó, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng, chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất.

Để tăng cường việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.

Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện và cập nhật các tiêu chí an toàn COVID-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn COVID-19.

Các cơ sở y tế duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường… Các cơ sở y tế tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân COVID -19.

Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện, các cơ sở y tế cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch COVID -19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế dự phòng thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố; tiếp tục tham mưu để huy động việc đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn. Các Viện nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vacine phòng COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vacine phòng bệnh COVID-19.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước