Bức chân dung cuối cùng về liệt sĩ Gạc Ma

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 14/03/2022 21:49 GMT+7

VTV.vn - Phó giáo sư Ngô Văn Minh chia sẻ câu chuyện này với các học viên và họ đã chung tay cùng ông đi tìm bức chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị.

Đã 34 năm kể từ sự kiện 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Và ngày 14/3/1988 đã đi vào lịch sử như một khúc tráng ca trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên Biển Đông.

Có những người ngã xuống giữa biển khơi chẳng để lại gì dù chỉ một tấm ảnh. Câu chuyện về hành trình tìm lại bức di ảnh liệt sĩ như một cách để tri ân những người chiến sĩ hải quân anh hùng đã tạc thành tượng đài bất tử giữa trùng khơi.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nơi thờ vọng 64 liệt sĩ - "Những người nằm lại phía chân trời" sau sự kiện 14/3/1988. Nhiều người đến đây đã dừng lại rất lâu trước một ô trống khuyết ảnh, chỉ còn lại thông tin về liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê ở Quảng Bình. Phó giáo sư Ngô Văn Minh là một trong số đó.

Bức chân dung cuối cùng về liệt sĩ Gạc Ma - Ảnh 1.

Sự hy sinh vì Tổ quốc của các chiến sĩ Gạc Ma không bao giờ bị lãng quên

Đăng thông tin tìm bức chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị qua mạng xã hội; nhờ học viên giúp tìm kiếm hồ sơ và đã về tận nhà liệt sĩ. Suốt hơn 1 năm miệt mài, tìm kiếm từ nhiều hướng nhưng không mang lại kết quả. Hành trình đi tìm bức ảnh có lúc tưởng như bế tắc. Trong một lần đi giảng cho lớp cao cấp chính trị ở Quảng Bình, ông Minh chia sẻ câu chuyện này với các học viên và họ đã chung tay cùng ông vào cuộc.

20 năm sau trận chiến bi hùng, vào năm 2008, gia đình đã nhận được một phần xương cốt của liệt sĩ Trần Quốc Trị được tìm thấy dưới đáy biển gần Gạc Ma. Năm ấy, bằng nhiều nỗ lực kiếm tìm giữa muôn trùng khó khăn nhưng cũng chỉ xác định được hài cốt của 8 liệt sĩ.

Biểu tượng Tổ quốc ghi công làm bằng khối pha lê có chứa ADN của liệt sĩ cũng được trao cho gia đình.

34 năm trước, trong buổi sáng ngày 14/3 khi 3 tàu vận tải HQ 604, 605 và 505 đang làm nhiệm vụ tại các bãi đá Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin thì bị tấn công. 2 tàu bị chìm. Duy nhất tàu 505 cũng sắp chìm vì trúng đạn pháo. Liệt sĩ Trần Quốc Trị và đồng đội của mình đã bám trụ đến cùng dù phải đánh đổi bằng tính mạng của mình để giữ đá Gạc Ma.

Trở lại với khu tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma. Trên bức tường Tổ quốc ghi công đã đủ 64 bức chân dung liệt sĩ can trường và quả cảm. Thời gian trôi đi, sóng biển có thể làm nhòa đi nhiều thứ nhưng chuyến tàu nào ra với Trường Sa cũng neo lại vùng biển này để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Sự hy sinh vì Tổ quốc không bao giờ bị lãng quên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước