Với số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh, từ gần 300 ca mắc ngày 6/12 đã lên 774 ca, qua phân tích cho thấy có từ 85 - 90% F0 là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Để sẵn sàng cho mọi tình huống, Hà Nội đã triển khai cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.
Quận Hà Đông đã ghi nhận gần 500 ca mắc COVID-19, đây cũng là một trong 2 quận huyện đầu tiên thí điểm điều trị F0 tại nhà. Ngoài lực lượng y tế, Hà Nội cũng đã triển khai lực lượng hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà. Đây chủ yếu là đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội phụ nữ, y tế học đường… để giảm tải áp lực cho ngành y tế.
Đối với những trường hợp F0 nhẹ, không triệu chứng gia đình không đủ điều kiện cách ly sẽ điều trị tại các trạm y tế lưu động. Theo dự kiến, Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng.
Lực lượng y tế phát thuốc, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, việc điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại gia đình sẽ giảm áp lực cho ngành y tế nhưng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ý thức của mỗi người bệnh để dịch không lây lan ra cộng đồng.
Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh thành cũng đang triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vượt ngưỡng hơn 5.000 ca mắc COVID-19. Tỉnh đã ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 không triệu chứng. Công tác này sẽ được giao cho các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; Trạm y tế phường, xã, thị trấn; các Tổ y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 trên địa bàn thực hiện.
Tại Cần Thơ, thành phố đang quản lý cách ly, điều trị tại nhà cho hơn 11.000 F0. Cần Thơ đang tăng cường nhân lực y tế cho cơ sở để quản lý, điều trị F0. Trước hết là đảm bảo các bệnh nhân đều được thăm khám, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đặc biệt thành phố chú trọng xử lý kịp thời các ca bệnh chuyển nặng, giảm thiểu số trường hợp tử vong do COVID-19.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, hiện tại, thành phố chưa ghi nhận ca nhiễm có biến chủng Omicron. Nhưng trước thực trạng nhiều nước lân cận có ca nhiễm liên quan đến biến chủng này, ngành y tế thành phố đã thiết lập thế trận y tế ứng phó với biến chủng Omicron.
Ngành Y tế phối hợp với Bộ tư lệnh cũng như là Công an thành phố để xây dựng thế trận y tế nhận diện từ xa. Thành phố cũng sẽ xây dựng khu vực riêng để tiếp nhận, sàng lọc và điều trị khi phát hiện trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Đó là bệnh viện dã chiến số 12 và lực lượng y bác sĩ có lực lượng tăng cường để đáp ứng tình hình nếu có số bệnh nhân tăng cao.
Thành phố tiếp tục tăng cường nhân lực y tế và các trang thiết bị, sẵn sàng ứng phó với các cấp độ dịch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiêm vaccine bổ sung và tiêm nhắc lại đối với trường hợp được yêu cầu; Tăng cường truyền thông để người dân thực hiện tốt 5K.
Khi điều trị tại nhà, F0 sẽ ở trong môi trường thân thuộc hơn, được giải trí bằng các phương tiện nghe nhìn, vẫn có thể làm việc trực tuyến tại nhà; được gần gũi với các thành viên trong gia đình, không bị cảm giác cô đơn nên tinh thần sẽ thoải mái, giảm stress. Người bệnh sẽ không bị ám ảnh, căng thẳng khi không phải tiếp xúc, chứng kiến các trường hợp F0 có diễn biến nặng khi điều trị tại bệnh viện, cơ sở điều trị tập trung. Ngoài ra, khi lượng F0 điều trị tại bệnh viện giảm, kéo theo giảm nguồn nhân lực điều trị và phục vụ, qua đó giảm một nguồn lực kinh tế rất lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, việc F0 điều trị tại nhà còn làm giảm nguy cơ lây nhiễm chéo so với điều trị tập trung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!