Tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tại cảng cá Tân Sơn, xã Thụy Hải (Thái Thụy). Ảnh: TTXVN
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã thông báo, hướng dẫn công tác ứng phó tới hơn 50.000 phương tiện đang hoạt động trên biển và neo đậu tại các bến.
Thái Bình
THái Bình đã nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm đếm, sắp xếp và hướng dẫn tàu, thuyền vào nơi tránh, trú. Tính đến 17h ngày 12/6, hầu hết thuyền đã được neo đậu tại các bến. Thái Bình cũng đã yêu cầu hơn 1.200 lao tại các chòi ngao phải vào trong đất liền.
Hải Phòng
Theo VOV, để chủ động đối phó với cơn bão số 2, thành phố Hải Phòng đã quyết định đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực biển, ven biển, từ 17h ngày 12/6; riêng quận Đồ Sơn cấm biển từ 16h cùng ngày.
Hải Phòng kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão, chủ động ứng phó với cơn bão số 2. Ảnh: VOV
Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đến chiều 12/6, đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho gần 2.500 phương tiện và hơn 8.000 lao động đang hoạt động, neo đậu tại các khu vực ven biển, các bến cảng biết vị trí, hướng đi của cơn bão để chủ động phòng tránh.
Các địa phương, nhất là các huyện ven biển của TP Hải Phòng cũng đã chủ động các phương án đối phó với bão. Tại huyện Cát Hải, gần 690 phương tiện và hơn 2.000 lao động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn; địa phương cũng đã vận động hơn 1.000 lao động trên 8.200 ô lồng và 480 giàn bè nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thủy sản, dịch vụ du lịch sơ tán về vị trí tránh trú bão.
Huyện đảo Bạch Long Vỹ đã thông báo cho các chủ tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, trong âu cảng biết về tình hình áp thấp; theo dõi, kiểm đếm và quản lý chặt số tàu, thuyền đang hoạt động trên khu vực biển Bạch Long Vĩ và trong âu cảng; giữ vững thông tin liên lạc với các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu.
Ninh Bình
Tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo huyện Kim Sơn, nơi có 18km bờ biển, hoàn thành di dân ngoài đê biển Bình Minh 3 về nơi tránh trú an toàn, đồng thời, cử các đội canh gác, nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, tạm dừng hoạt động các tuyến đò.
Ninh Bình cũng nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện tầu, thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú tránh; tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu xong trước 19h ngày 12/6, tổng hợp thông tin về số lượng, phương tiện, ngư dân đã vào nơi trú ẩn báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh.
Quảng Ninh
Từ 16h ngày 12/6, Quảng Ninh đã tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Các tàu du lịch biển về nơi tránh trú. Hơn 14.000 lồng bè đã được yêu cầu gia cố.
Hơn 8.100 tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã nhận được thông tin về bão số 2. Ảnh: VOV
Tính đến trưa 12/6, hơn 8.100 tàu đánh bắt thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, trong đó hơn 230 tàu đánh bắt xa bờ đã nhận được thông tin về bão số 2 và di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão, neo đậu tại các khu tránh trú gió, bão trong tỉnh và các bến Cát Bà, Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng; hơn 14.500 lồng/bè nuôi trồng thủy sản trên biển được gia cố.
Hiện các địa phương đang triển khai đưa người già, trẻ nhỏ và phụ nữ lên bờ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 1.000 cán bộ chiến sĩ cùng các phương tiện như tàu, xuồng để ứng trực với những tình huống của mưa bão và tùy theo diễn biến, tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền từ tối 12/6.
Thanh Hóa
Để chủ động ứng phó với bão số 2, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản, từ 20h ngày 12/6, tỉnh Thanh Hóa áp dụng lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi cho đến khi bão suy yếu và tan dần.
Nhiều tàu thuyền đã về tránh trú tại âu thuyền. Ảnh:
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương ven biển tuyên truyền hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên các tàu thuyền tại các khu neo đậu, trong đó lưu ý thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu vực tập trung người dân sơ tán đến, bao gồm cả ngư dân trên các tàu vãng lai, ngoại tỉnh đến trú tránh.
Các địa phương có trách nhiệm khẩn trương triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công, kiên quyết không để người ở lại chòi canh, lồng bè; huy động các lực lượng, nhất là lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở, để tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!