Lực lượng cảnh sát giao thông yêu cầu người dân dừng xe khai báo y tế trên đường Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)
Đề xuất trên được Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nói tại cuộc họp của Ban chỉ đạo chống COVID-19, sáng 11/6.
Theo ông Dũng, trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hầu hết người dân chấp hành tốt các quy định. Lưu lượng giao thông qua lại quận giảm một nửa so với ngày thường. Số lượng người dân ra ngoài khi không cần thiết rất ít.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp nhận định những ngày giãn cách còn lại tình hình dịch sẽ có chuyển biến tốt. Từ đó, ông kiến nghị không giãn cách xã hội thêm sau 0h ngày 15/6.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh giao Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cuối tuần này hoặc đầu tuần tới cùng các sở ngành làm việc với quận Gò Vấp để đánh giá tình hình dịch sau thời gian giãn cách, cân nhắc đề xuất với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP các biện pháp tiếp theo.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, ngành y tế đang tiếp tục điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Từ ngày 27/5 đến hết ngày 10/6, lực lượng chức năng đã lấy hơn 482.000 mẫu xét nghiệm các trường hợp F1, F2 và mở rộng xét nghiệm. TP Hồ Chí Minh cũng đã xét nghiệm cho hơn 53.000 công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, những ngày đầu, ở thời kỳ cao điểm, thành phố ghi nhận trung bình 49 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, sau 10 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca mới chủ yếu nẳm trong khu cách ly, phong tỏa. Điều này cho thấy các nhánh lây nhiễm tại quận Gò Vấp đã được kiểm soát.
"Trong 10 ngày tới, thành phố có thể sẽ phát hiện thêm ca bệnh rải rác từ những ổ dịch đã được kiểm soát. Vì vậy, lực lượng chức năng cần tận dụng những ngày giãn cách tiếp theo để kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Sau 15 ngày giãn cách xã hội, ngành y tế sẽ đánh giá tổng thể để có biện pháp phòng, chống dịch phù hợp", ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định.
Tính đến hôm nay, TP Hồ Chí Minh có 441 trường hợp mắc COVID-19 được công bố liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chùm ca bệnh liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng bùng phát mạnh, lây lan nhanh do số lượng thành viên của nhóm nhiều, cơ quan chức năng khó tiếp xúc, các thành viên khai báo chưa đầy đủ từ đầu nên công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, nhờ sự giãn cách xã hội, những ca bệnh liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng không có khả năng phát tán rộng, chỉ lây lan do tiếp xúc gần người cùng gia đình hoặc trong xóm.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh phát hiện 48 bệnh nhân qua khám sàng lọc tại các bệnh viện, phòng khám. Trừ Bệnh viện Tân Phú, các cơ sở y tế khác không ghi nhận sự lây nhiễm. Tất cả 48 bệnh nhân được phát hiện qua khám sàng lọc không liên quan đến chuỗi lây nhiễm ở nhóm truyền giáo.
Ngành y tế TP Hồ Chí Minh ghi nhận 6 bệnh nhân tại một ổ dịch tại Xưởng cơ khí Hóc Môn (huyện Củ Chi) vào tối 8/6 do khám sàng lọc tại 3 bệnh viện là Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện huyện Bình Chánh. Qua truy vết, thành phố phát hiện thêm 25 ca bệnh, trong đó 3 người làm việc tại Công ty SAMHO. Tất cả ca nhiễm đều có quan hệ gia đình, hàng xóm với nhau.
Ổ dịch tại chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân) có 14 ca bệnh, được phát hiện từ một trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City vào ngày 5/6 và Bệnh viện Triều An vào ngày 7/6. Từ đây, ngành y tế phát hiện 14 ca bệnh khác, trong đó có một công nhân làm việc tại Công ty PouYuen Việt Nam. Hiện ổ dịch cũng đang được kiểm soát.
Ngoài ra, ngành y tế ghi nhận ổ dịch tại đường số 11 (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức) có 6 bệnh nhân; ổ dịch tại ấp Tân Thới 2 (Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) có 10 bệnh nhân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!