"Anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt của anh vẫn sáng ngời, theo dõi thấy được mẹ con em sống như thế nào" - đây là những lời tâm sự của chị Tạ Thị Kiều, vợ Thiếu tá Lê Hải Ninh.
Bức ảnh kỷ niệm của gia đình Thiếu tá Lê Hải Ninh.
Cách đây gần 3 năm, chị đã quyết định hiến tạng của chồng, với sự đồng thuận của cả gia đình hai bên nội ngoài. Điều đáng nói là cả hai bên gia đình nội ngoại không chỉ đồng thuận mà tất cả mọi người trong gia đình đã đăng ký hiến tạng. Bố chồng và bố đẻ của chị Kiều đã hiến giác mạc sau khi mất.
Gần 3 năm đã trôi qua nhưng chị Kiều vẫn nhớ như in thời khắc quyết định hiến tạng chồng. Thời gian chỉ có 30 phút, nếu gia đình đồng ý thì tạng của anh sẽ lấy được nhiều hơn đồng nghĩ với việc nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống. Chị nhớ lúc đó cứ cầm tay chồng để hỏi rồi lại tự trả lời.
Tạng của anh Ninh đã cứu sống được 5 người. Bố đẻ và bố vợ đều là những người lính đã từng vào sinh ra tử. Tự hào về con trai, hai ông xin đăng ký được hiến tạng sau khi mất. Tuy nhiên, do tuổi cao và mất vì bệnh nên hai ông chỉ có thể hiến được giác mạc để giúp cho những người mù lòa có cơ hội nhìn thấy ánh sáng.
Không dễ xóa đi định kiến vẫn tồn tại bấy lâu nay nhưng điều mà gia đình chị Kiều đã làm đã giúp cho không ít người tại vùng quê ở Ninh Bình cũng như cả nước có sự thay đổi về nhận thức trong việc hiến tạng.
Hiếm có gia đình nào sẵn sàng thực hiện nghĩa cử cao đẹp như gia đình chị Kiều. Những suy nghĩ và cách sống của chị Kiều cùng cùng người thân sẽ lan tỏa yêu thương, xóa dần định kiến, thắp thêm hi vọng sống cho hàng nghìn người đang chờ tạng để ghép.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!