Cận cảnh nơi lữu trữ hơn 3000 giống lúa dưới 0 độ C
Nhằm bảo tồn, duy trì sự sống của các giống lúa quý, không chỉ đặc trưng của vùng ĐBSCL mà của cả nước, hàng ngàn giống lúa hội tụ nơi này.
Đây là công sức gần 50 năm mà các thầy cô, cán bộ của Viện Nghiên cứu và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Đại học Cần Thơ) sưu tập và gìn giữ.
Ngân hàng giống lưu trữ hơn 3.000 chủng loại giống tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.
Cận cảnh kho đông lạnh trung hạn, nơi hạt lúa ngủ đông ở nhiệt độ -5 độ C.
Dẫn chúng tôi dạo quanh một vòng nơi những hạt lúa được lưu giữ và bảo tồn một cách cẩn thận suốt nửa thế kỷ, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ - Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ kể: "Xuất phát từ ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ bây giờ (khi ấy ông là giảng nghiệm viên Khoa Sinh nông - Trường Cao đẳng Nông nghiệp) cùng những giảng viên, nhà giáo với niềm đam mê về giống lúa. Các thầy, cô bắt đầu manh nha ý tưởng sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn những nguồn gen quý hiếm của các giống lúa ĐBSCL cũng như khắp mọi miền đất nước. Công việc này bắt đầu từ năm 1972 và được duy trì tiếp nối đến ngày nay".
Một số giống lúa như nếp than được sưu tầm từ gần 50 năm trước.
Vào năm 2019, bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng trực thuộc Khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ nhận chuyển giao công tác này và tiếp tục công việc đó cho đến nay. Hiện nơi đây đang lưu giữ hơn 3 ngàn giống được chia làm 3 bộ sưu tập chính gồm: Bộ giống lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản.lúa mùa, lúa rẫy, lúa cao sản, quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Trong đó, có 2/3 là các giống lúa sưu tập ở khu vực ĐBSCL khoảng 2.000 giống. Có những giống quý hiếm được sưu tầm từ những năm đầu thập niên 70. Trong số này, nổi lên có Nàng thơm chợ Đào, Nếp than, Bông Dừa…; ngoài ra còn có những bộ giống lúa rẫy được sưu tầm từ các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, duyên hải miền Trung… lúa cao sản và những dòng lúa khác do Trường đại học Cần Thơ tự lai tạo.
Giảng viên Huỳnh Như Điền – Bộ môn Di truyền và chọn giống cây trồng, Khoa Nông Nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ tâm sự: "Lúc đầu do kinh phí còn hạn hẹp, công tác sưu tầm giống gặp nhiều khó khăn. Để có một mẫu lúa, các sinh viên, thầy cô của trường đã bắt đầu từ việc đến các vùng sâu xa khắp nơi để xin mẫu. Hay mỗi dịp về quê hay đi công tác sưu tập về là chính".
Những mẫu lúa khi mang về sẽ được ghi chép nguồn gốc, thời gian, xuất xứ. Các hạt lúa này sau đó được sinh viên, thầy cô của bộ môn lựa từng hạt để loại những hạt sâu bệnh, kém chất lượng. Những hạt lúa đẹp nhất, chắc nhất sau đó được phơi, sấy khô rồi đóng gói yếm khí với trọng lượng 50g. Điều quan trọng, độ ẩm trong hạt giống lúc này phải đạt dưới 10%. Tùy vào nhu cầu sử dụng của từng giống lúa mà chúng được lưu trữ ở kho ngắn hạn hay trung hạn.
Bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn ngân hàng giống còn phục vụ mục đích tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới.
Nếu ở kho ngắn hạn thời gian lưu trữ từ 6-12 tháng, nhiệt độ giữ ở mức 200C (20 độ C), thì kho trung hạn nhiệt độ luôn duy trì -50C (âm 5 độ C), thời gian lưu trữ trên 10 năm. Hai kho này được cải tiến từ những container, nguồn điện luôn đảm bảo di trì liên tục.
Tiến sĩ Huỳnh Kỳ cho biết, việc cấp đông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kéo dài sự sống cho giống lúa. Khi đông lạnh, hạt sẽ rơi vào tình trạng "ngủ đông". Khi cần có thể sử dụng bất cứ lúc nào. "Từ trong kho lạnh trung hạn -50C (âm 5 độ C), nếu muốn sử dụng hạt giống phải rã đông theo từng công đoạn. Trước hết phải chuyển sang phòng lạnh ngắn hạn có nhiệt độ 200C (20 độ C) trong 1 ngày. Sau đó tiếp tục để hạt giống trong nhiệt độ bình thường, cho đến khi hạt giống ổn định thì mới sử dụng được", tiến sĩ Kỳ chia sẻ thêm.
Các giống lúa được bảo tồn tại kho bảo quản trung hạn, với khả năng bảo quản trên 10 năm.
Cứ định kỳ 5 năm sau khi đông lạnh, phải tiến hành ra kiểm tra giống lúa còn sống hay không. Theo đó, nếu tỉ lệ sống đạt trên 80% thì tiếp tục đông lạnh, dưới 80% thì phải trẻ hóa ngoài đồng để duy trì sức sống cho giống lúa đó.
"Lúa khi sưu tập về có thời gian sinh trưởng khác nhau. Theo nguyên tắc bảo tồn, sưu tầm nguồn gien thì sưu tầm ở vùng sinh thái nào thì phải trẻ hóa, trồng lại đúng với vùng khí hậu ở đó để duy trì đặc điểm giống lúa trước đây", thầy Điền cho biết.
Dù đang lưu giữ hàng ngàn giống lúa tuy nhiên, mỗi năm công tác kiểm đếm và trẻ hóa chỉ có thể thực hiện vài trăm giống. Bởi quá trình này mất rất nhiều thời gian, chi phí và nhân lực.
Bên cạnh việc lưu giữ, bảo tồn ngân hàng giống còn phục vụ mục đích tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống lúa mới. Song song công tác lai tạo mới, là khai thác những dòng lúa triển vọng phục vụ mục đích khảo nghiệm và chuyển giao./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!