Cần cơ chế đặc thù trong liên kết vùng Đông Nam Bộ

Nguyệt Hà-Thứ hai, ngày 08/04/2024 06:10 GMT+7

VTV.vn - Thực tế phát triển các dự án hạ tầng cho thấy, Đông Nam Bộ đang cần có những cơ chế chung, cơ chế đặc thù để đẩy nhanh quá trình liên kết, phát triển.

Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế năng động, đang đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, vai trò đầu tàu, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động của vùng lại đang có xu hướng chậm lại. Một trong những nguyên nhân là điểm nghẽn hạ tầng giao thông kết nối, cản trở phát triển của khu vực này. Yêu cầu cấp bách là phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết, tạo không gian kinh tế thống nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Trên Quốc lộ 13 kết nối Bình Dương với TP Hồ Chí Minh, kẹt xe, ùn tắc kéo dài thường xuyên diễn ra trên đoạn qua địa phận TP Hồ Chí Minh. Thành phố chưa coi việc mở rộng Quốc lộ 13 là ưu tiên. Còn Bình Dương đang mở rộng con đường này lên 8 làn xe, nhưng chỉ ở đoạn qua địa bàn tỉnh này, dù muốn cũng không thể triển khai trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vì luật không cho phép. Đây không phải là ví dụ duy nhất ở Đông Nam Bộ về việc các địa phương có các ưu tiên khác nhau đối với cùng một dự án và cần cơ chế chung để giải quyết.

"Nên đầu tư thành lập một quỹ đầu tư hạ tầng giao thông. Khi có quỹ này sẽ có cơ chế đem tiền ngân sách từ tỉnh này qua tỉnh khác được", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nêu quan điểm.

Cần cơ chế đặc thù trong liên kết vùng Đông Nam Bộ - Ảnh 1.

Đông Nam Bộ không chỉ cần có cơ chế chung, mà còn cần một cơ chế chung đặc thù. (Ảnh: PLO)

"Quỹ đầu tư chung này giải quyết được bên này có động cơ lớn hơn thì có thể dồn tiền cho địa phương kia để làm, còn hưởng lợi thì cả hai bên cùng hưởng", TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, Trường Đại học Việt Đức, chuyên gia đô thị, nhận định.

Đông Nam Bộ đang triển khai một loạt dự án hạ tầng trọng điểm liên quan đến nhiều địa phương như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai và Bình Dương.

Tuy nhiên cơ chế mỗi nơi một kiểu nên khi triển khai dự án chung gây khó cho quá trình triển khai, vì vậy cần cơ chế đặc thù trong những trường hợp này để đảm bảo tiến độ các dự án. Ví dụ từ việc áp dụng cơ chế đặc thù đã rút ngắn thủ tục khai thác vật liệu phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đi qua 4 địa phương vùng Đông Nam Bộ.

"Nếu chúng ta làm theo quy định thì mất 28 tháng hoặc hơn, nhưng với cơ chế đặc thù thì trong vòng 3 - 4 tháng có được hồ sơ để các đơn vị thi công có nguồn vật liệu thi công công trình, phải nói đó là cơ chế rút ngắn thời gian rất nhiều", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho hay.

Đông Nam Bộ không chỉ cần có cơ chế chung mà còn cần một cơ chế chung đặc thù. Trước mắt, các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 áp dụng với TP Hồ Chí Minh có thể áp dụng với các địa phương khác trong vùng khi triển khai dự án chung.

"Trong quá trình quyết định các chủ trương đầu tư, các quyết định duyệt dự án đầu tư mà TP Hồ Chí Minh đang thực hiện, có thể những cơ chế đó mở rộng hơn cho các tỉnh, thành trong vùng", Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Thêm vào đó, cần phân cấp phân quyền mạnh mẽ, tạo tính chủ động hơn cho các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ, từ đó đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh xin cơ chế mới trong giải phóng mặt bằng Thành phố Hồ Chí Minh xin cơ chế mới trong giải phóng mặt bằng

VTV.vn - TP Hồ Chí Minh xin cơ chế giải phóng mặt bằng mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và sớm ổn định cuộc sống, nơi ở cho người dân bị ảnh hướng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước