Giải quyết kịp thời tình trạng thiếu hụt cát để xây cao tốc
Hiện đang là thời điểm khó khăn về cát làm nền đường cao tốc. Các địa phương đang cấp phép khai thác mỏ cát để cung cấp cho dự án làm nền đường cao tốc, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Sau khi có cơ chế đặc thù và tiến hành những thủ tục cần thiết, mỏ cát đầu tiên được vận hành cơ chế đã chính thức được đi vào khai thác để phục vụ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi trước đó 110 km của dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau đang thiếu cát để thi công.
Khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành để phục vụ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là mỏ cát đầu tiên được khai thác theo cơ chế đặc thù, bàn giao cho nhà thầu thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Các phương tiện đều được gắn camera và định vị. Quá trình khai thác và vận chuyển được giám sát kỹ càng.
Sắp tới đây, các nhà thầu sẽ tiếp tục khai thác thêm 4 mỏ cát theo cơ chế đặc thù trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, trước hết nhà thầu phải thực hiện đủ hồ sơ, thủ tục. Bên cạnh tính toán kỹ lưỡng về tác động môi trường, việc khai thác đúng trữ lượng cát và sử dụng đúng mục đích cũng phải được cam kết và giám sát chặt chẽ.
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên cả nước vận dụng cơ chế đặc thù để bàn giao mỏ cát cho nhà thầu. Tỉnh này cam kết cung ứng 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Bên cạnh Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long cũng có những chuyển động rõ nét trong việc duyệt mỏ khai thác cát theo cơ chế đặc thù.
Theo đại diện chủ đầu tư cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, đến nay 3 địa phương An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã hỗ trợ rất tích cực cho dự án, bước đầu đã giải quyết kịp thời tình trạng thiếu hụt cát nghiêm trọng vừa qua.
Để các địa phương mạnh dạn thực thi chính sách
Để tháo gỡ những bất cập, đặc biệt là việc thiếu vật liệu trong tiến trình thi công cao tốc Bắc Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020. Có 2 điểm đáng chú ý.
Phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Khu vực khai thác khoáng sản mới chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu khi có đề nghị và đủ quy định theo luật khoáng sản. Giấy phép ghi rõ là chỉ được cung cấp cho Dự án đường cao tốc.
Đối với các mỏ đã được cấp phép được nâng 50% công suất mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh và đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Đồng Tháp là địa phương đầu tiên cả nước vận dụng cơ chế đặc thù để bàn giao mỏ cát cho nhà thầu. Tỉnh này cam kết cung ứng 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau. Đến nay, địa phương đã bàn giao tổng cộng 5 mỏ cát với tổng trữ lượng khoảng 3,8 triệu m3 để nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù.
Trong khi đó theo chỉ đạo của Thủ tướng, nguồn cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để đảm bảo tiến độ thi công cần phải có là An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m3, Vĩnh Long 5 triệu m3.
Cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là 1 trong 5 chính sách mà Chính phủ đề xuất cho các dự án giao thông đường bộ. Theo đó, nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ. Đây là một chủ trương linh hoạt và đúng đắn trong bối cảnh phát triển mới.
Để có thể thực hiện chủ trương này, các địa phương cần có một quy chế phối hợp, quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương đối với các mỏ cát thực hiện theo cơ chế đặc thù. Trong đó làm rõ về trách nhiệm kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác, cung ứng cát và thẩm quyền xử lý các sai phạm nếu có. Có như vậy thì các địa phương mới có thể mạnh dạn thực thi chính sách này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!