Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/11/2024 06:01 GMT+7

VTV.vn - Tại Việt Nam, việc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại, mã số định danh là cần thiết, để hạn chế các hành vi tiêu cực, nâng cao trách nhiệm của người dùng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 147 về việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên không gian mạng. Theo đó, từ ngày 25/12/2024, chủ tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại hoặc mã số định danh. Cụ thể, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại chính chủ hoặc số định danh cá nhân mới được đăng thông tin, viết bài bình luận, livestream và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Việc xác thực sẽ kéo dài trong ba tháng, kết thúc vào ngày 25/3/2025. Trường hợp người sử dụng dưới 16 tuổi, cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ đăng ký bằng thông tin của mình và có trách nhiệm giám sát, quản lý việc trẻ em truy cập và đăng tải thông tin.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 1.

Từ ngày 25/12/2024, chủ tài khoản mạng xã hội phải xác thực bằng số điện thoại hoặc mã số định danh

"Quy định mới về định danh và xác thực tài khoản trên mạng xã hội là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với sự bùng nổ của mạng xã hội tại Việt Nam và nhiều vấn đề phát sinh từ đó, việc có quy định như vậy sẽ giúp các bên xác định rõ ai đang làm gì trên Internet. Điều này khuyến khích người dùng ý thức hơn về danh tính của mình trên mạng, hiểu rằng mọi hành vi đều được gắn với tên tuổi và danh tính pháp lý của mình. Họ sẽ phải có trách nhiệm hơn khi đưa ra ý kiến, quan điểm hay bình luận, từ đó góp phần thúc đẩy văn minh trên mạng xã hội", ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhận định.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 2.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, quy định mới về việc sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên không gian mạng, không ảnh hưởng trực tiếp đến những người sử dụng mạng xã hội làm công cụ bán hàng như bán hàng qua livestream, quảng cáo hay các mục đích thương mại khác. Họ vẫn có tài khoản mạng xã hội, vẫn được định danh và vẫn có thể quảng cáo, bán hàng, livestream như bình thường. Tuy nhiên, quy định này yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải xác thực danh tính của người sử dụng. Ví dụ, khi quy định này có hiệu lực, các nền tảng như Facebook hay TikTok sẽ phải gán mã định danh cho người dùng, giúp xác định rõ danh tính khi có tranh chấp xảy ra.

Các quy định hiện có về quảng cáo như trong Luật Quảng cáo quy định phải quảng cáo phải chính xác và không được gây hiểu nhầm về sản phẩm. Quy định mới sẽ không ảnh hưởng đến điều này. Tuy nhiên, nếu xảy ra tranh chấp, quy định sẽ giúp tìm ra người chịu trách nhiệm nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 3.

Những người bán hàng qua hình thức livestream cũng sẽ phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số định danh cá nhân

"Có nhiều trường hợp một người sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội trên các nền tảng khác nhau như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo,... Khi thực hiện định danh, thông tin sẽ không bị mâu thuẫn hay chồng chéo vì số điện thoại đã được xác thực. Mỗi người sẽ phải đăng ký tài khoản gắn liền với số điện thoại đã xác thực, đảm bảo tài khoản đó thuộc về một cá nhân. Dù là TikTok, Zalo hay bất kỳ nền tảng nào, tất cả các tài khoản đều sẽ gắn với danh tính cá nhân của người sử dụng", ông Nguyễn Quang Đồng cho biết thêm.

Quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội xuất phát từ yêu cầu về quản lý nhà nước cũng như nhu cầu của người dân, muốn quản lý chặt chẽ hơn các tài khoản mạng xã hội, hạn chế lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dùng. Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoạt động của người dân đang từng bước chuyển dịch từ môi trường thực sang môi trường số, từ môi trường ảo đó sản sinh ra những kiểu tội phạm lừa đảo mới hay những kiểu người được gọi là "anh hùng bàn phím" ẩn danh và tự cho mình cái quyền phán xét hay lăng mạ người khác.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 4.

Nhiều tài khoản ẩn danh để lại bình luận tiêu cực, lăng mạ người khác

Phần lớn đối tượng xấu, lợi dụng việc ẩn danh trên các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội, họ không sợ hậu quả, không sợ trách nhiệm và thực tế nhiều tài khoản ảo được tạo ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, việc thực hiện định danh đối với các tài khoản mạng xã hội của người dùng trong nước thôi là chưa đủ để quản lý một cách chặt chẽ. Hiện nhiều nền tảng cũng đang thực hiện việc xác minh thông tin người dùng thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, nhưng chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu tính định danh sẽ bị phá vỡ.

"Khi lưu trữ tất cả tài khoản người dùng ở một nơi, có thể trở thành mục tiêu cho tin tặc tấn công, dẫn đến nguy cơ rò rỉ những dữ liệu quan trọng của người dùng", ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an ninh mạng Cystack cho biết.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 5.

Chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan đến việc thực hiện xác minh thông tin người dùng không tuân thủ yêu cầu, tính định danh sẽ bị phá vỡ

Ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng, không phải mạng xã hội nào cũng có đủ nhân lực và kỹ thuật để bảo vệ thông tin cá nhân cho người dùng. Hiện tại, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có trong Nghị định số 13, theo đó các doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ và bảo mật thông tin của người dùng. Ví dụ, nếu một mạng xã hội thu thập số điện thoại, email hay các thông tin cá nhân khác của người sử dụng, họ có nghĩa vụ bảo mật những thông tin đó.

"Về mặt năng lực kỹ thuật, liệu các mạng xã hội này có đủ khả năng ngăn ngừa nguy cơ tấn công từ tin tặc? Liệu có nguy cơ họ bí mật bán thông tin người dùng cho bên thứ ba hay không? Dù pháp luật đã có quy định xử phạt và ngăn chặn những hành vi này, nhưng việc điều tra và xử lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu dữ liệu của người dùng bị lộ, họ có thể kiện hay yêu cầu bồi thường ra sao? Đây vẫn là một thách thức lớn", ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ.

Ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh, các cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông cần tích cực tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí đưa ra tòa và áp dụng hình phạt hình sự khi cần thiết. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nhà nước rất nghiêm túc trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị điều tra và xử lý, nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho tất cả người dùng.

"Đối với những trường hợp tài khoản mạng xã hội được tạo lập ở nước ngoài, Nghị định mới không thể điều chỉnh hành vi của người dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, cần có thêm cơ chế hợp tác quốc tế giữa các Chính phủ. Ví dụ, trong trường hợp điều tra tội phạm, Chính phủ Việt Nam có thể phối hợp với các quốc gia khác để thống nhất biện pháp xử lý. Đồng thời, cần có sự hợp tác giữa Chính phủ và các nhà mạng xã hội để triển khai các biện pháp kỹ thuật trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm xử lý vi phạm", ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất.

Cần có cơ chế để xử lý vi phạm của các tài khoản mạng xã hội lập ở nước ngoài - Ảnh 6.

Nhiều tài khoản mạng xã hội được tạo ra ở nước ngoài, lợi dụng việc ẩn danh trên các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội

Ông Nguyễn Quang Đồng khẳng định, Nghị định là một bước tiến cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất để xử lý mọi vấn đề trên mạng xã hội. Để đạt hiệu quả, cần áp dụng nhiều công cụ và phương thức khác nhau, từ các biện pháp kỹ thuật đến hợp tác quốc tế và giải pháp hành chính. Chỉ khi có sự đồng bộ của các biện pháp này, mới có thể xây dựng được một môi trường mạng an toàn và lành mạnh.

Không thể phủ nhận rằng trong thời đại 4.0, có rất nhiều những hoạt động tương tác của người dân đã biến mất trong cuộc sống, ngoài đời thực và chỉ còn xuất hiện trên môi trường số, điển hình là mua bán trực tuyến thế giới ảo nhưng tác động thật và thậm chí là hậu quả thật. Vì thế, mỗi tài khoản mạng xã hội cần phải được xác thực, phải được định danh, có như thế người dùng mới quay lại đúng với trách nhiệm công dân của mình, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với lời nói, hành động của mình trên không gian mạng như ở ngoài đời thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước