Nước ngọt phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt
Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Dương Khắc Mai Đoàn (ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị có giải pháp hữu hiệu hơn trong tổ chức triển khai, nâng cao tính dự báo để đối phó với những thiên tai, dịch bệnh...
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, hiện nay, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc và cùng sự phát triển kinh tế xã hội nên những năm qua cho thấy, các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, diễn ra trên địa bàn cả nước. Vì vậy, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị cần tập trung trong việc tổ chức và triển khai thực hiện pháp luật về phòng thủ dân sự và các luật có liên quan để có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa, ứng phó, khắc phục có hiệu quả, kịp thời, nhanh nhất có thể đối với những hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để bảo vệ tốt nhất cho người dân, cơ quan, tổ chức và cả nền kinh tế quốc dân.
Liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đại biểu Dương Khắc Mai cũng đề nghị có giải pháp toàn diện cả trước mắt và trong dài hạn để việc khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước để từ đó đảm bảo an ninh nguồn nước, trong đó nước ngọt phải được xem là nguồn tài nguyên đặc biệt. Vì Việt Nam thực tế có đến 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ và nước mưa thì lúc thừa lúc thiếu do phân bổ theo mùa. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao hồ, sông suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... đã dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm, chưa kể việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam là thực trạng và cũng là thách thức lớn đối với vấn đề an ninh nguồn nước của nước ta.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)
Đầu tư đê biển, phát triển thủy lợi để đảm bảo sản xuất
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đánh giá, trong thời gian qua, Chính phủ đã ưu tiên đầu tư các công trình giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên tại Cà Mau, hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đại biểu nêu rõ, trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hệ thống giao thông thủy lợi của Cà Mau không đáp ứng được yêu cầu sản xuất do chưa được đầu tư các công trình lớn. Do đó, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư giai đoạn 2 của hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. Nếu dự án sớm được thi công và đưa vào sử dụng sẽ làm chậm quá trình xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ sản xuất; đủ điều kiện để bơm nước vào hệ thống kênh trong mùa khô, khắc phục tình trạng thiếu nước cuối mùa vụ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện dự án này, do sự chưa thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bàn giao.
Bên cạnh đó, đề án phòng chống sạt lở, sụt lún, hạn mặn, thiếu nước sạch của Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tỉnh Cà Mau được cho xây dựng riêng đề án về vấn đề này. Tuy nhiên còn phải chờ phê duyệt dự án của cả vùng thì mới xem xét được dự án của tỉnh. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành trung ương cần sớm phê duyệt các dự án cấp thiết này. Đồng thời, đối với vấn đề về vốn đầu tư công trung hạn gia đoạn 2026-2030, đề nghị cần quan tâm tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống đê biển, khép kín đê biển tây, đầu tư đê biển đông và kè những đoạn còn lại để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng bức xúc về giao thông hiện nay, đảm bảo khai thác đồng bộ khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian tới, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo Chính phủ về phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, trong đó có lộ trình cụ thể để triển khai ngay trong giai đoạn 2021 - 2025; kiến nghị Quốc hội xem xét, quan tâm trong phương án phân bổ nguồn vốn vượt thu ngân sách trung ương năm 2024 để Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai thực hiện.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai)
Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để “miền núi tiến kịp miền xuôi”
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) nêu rõ, trong giai đoạn vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng miền núi. Đặc biệt, gần đây, chúng ta đang thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi… Từ đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo vùng miền núi có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ vững ổn định biên giới, lãnh thổ quốc gia, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đưa đất nước phát triển đi lên một tầm cao mới.
Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chiến lược “miền núi tiến kịp miền xuôi” của Đảng và Nhà nước, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có cơ chế chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế, xã hội cho các tỉnh miền núi. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cơ bản nước ta không còn hộ nghèo để chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!