Khi Nhà nước chưa có đủ ngân sách để đầu tư các loại máy xét nghiệm, chẩn đoán hiện đại trang bị cho các bệnh viện công thì nhiều bệnh viện đã huy động nguồn lực từ xã hội để đầu tư các loại máy móc thực hiện một số dịch vụ. Tuy nhiên, do chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về vấn đề này khiến nhiều bệnh viện, nhà đầu tư và người bệnh gặp khó khăn.
Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh là một trong 5 bệnh viện hạng đặc biệt với hơn 3.200 giường bệnh và mỗi ngày có từ 6.000 - 8.000 bệnh nhân đến khám nhưng hầu hết hệ thống xét nghiệm của bệnh viện là máy đặt, máy mượn. Nguyên nhân do khi thực hiện tự chủ, hệ thống máy của bệnh viện đã hết khấu hao. Để mua mới thì chi phí quá lớn nên phương án của bệnh viện là dùng máy mượn, máy đặt của đơn vị trúng thầu hóa chất.
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đại diện bệnh viện cho rằng cần xem xét vấn đề dùng máy đặt, máy mượn vì đây là giải pháp tối ưu để giảm chi phí đầu tư của các bệnh viện.
Theo bác sĩ Trần Thành Vinh,Trưởng Khoa Hóa sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy: ''Những dòng máy đó thường 2 - 3 năm, người ta sẽ cập nhật lên các phiên bản tốt hơn. Mua thì không có tiền. Do đó nhìn chung hình thức máy đặt, máy mượn theo hóa chất trúng thầu có vẻ như là hợp lý nhất''.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, máy xét nghiệm nước tiểu và máy sinh hóa được mượn nhiều năm. Dù bệnh viện rất muốn mua hai máy này chủ động khám chữa bệnh nhưng kinh phí lớn và nếu xin đầu tư của huyện, tỉnh phải mất nhiều năm.
Thống kê tại các bệnh viện công lập tại 45 địa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết có tới hơn 2.000 máy, thiết bị đang được sử dụng là máy mượn, máy đặt của các đơn vị cung cấp sinh phẩm sau khi trúng thầu. Theo các bệnh viện, việc dùng máy mượn máy đặt phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cần có quy định rõ ràng.
PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Việc sử dụng nguồn lực xã hội hỗ trợ ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe là cần thiết. Có những điểm chưa được hướng dẫn quy định nên bộc lộ khiếm khuyết và là kẽ hở cho tiêu cực''.
Ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết thêm: ''Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu cơ chế để giải quyết dứt điểm tình trạng máy đặt, máy mượn trong bối cảnh Nhà nước không có đủ kinh phí để đầu tư ngay lập tức và đồng loạt cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước''.
Cơ quan soạn thảo cho biết, trong Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) lần này đã đưa ra quy định cụ thể về thu hút nguồn lực cho các hoạt động khám chữa bệnh như quy định về vay vốn mua trang thiết bị, xây dựng công trình trên đất của các cơ sở y tế và một số các giải pháp để tối ưu hóa việc huy động nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!