Ngã tư đường Quang Trung – Võ Nguyên Giáp (quận Cái Răng) thường xuyên bị ngập sâu trong các đợt triều cường. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Cao điểm đợt triều cường tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ đạt đỉnh trong ngày 6/11 hoặc 7/11. Ngay từ chiều 5/11, nhiều tuyến đường đã bị ngập.
Tại thành phố Cần Thơ, chiều tối 5/1, nước lên nhanh đã gây ngập một số đoạn đường thuộc quận nội ô Ninh Kiều.
Do nước ngập sâu, giao thông hỗn loạn nên xe máy bị va vào nhau. Ảnh: Dân trí
Trước siêu thị Go (quận Ninh Kiều), nước ngập sâu. Ảnh: Dân trí
Đường hồ Búng Xáng hóa thành sông. Ảnh: Dân trí
Ở Thành phố Vĩnh Long, triều cường cũng gây ngập nhiều tuyến đường. Một số đoạn nước dâng cao khoảng 20 cm. Mỗi khi có xe máy hoặc ô tô chạy qua, nước bẩn lại tràn vào nhà của người dân.
Khi triều cường đạt đỉnh, mực nước trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ có thể vượt báo động 3, là hơn 2 mét. Người dân tránh ra đường lúc triều lên trong các khung giờ 5h - 7h và 16h - 18h.
Đợt triều cường tháng 10 âm lịch là đợt triều cường lớn trong năm. Đài Khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ cảnh báo các khu vực trũng thấp, ven sông rạch, đường giao thông có cốt nền thấp tiếp tục sẽ bị ngập sâu. Khi triều lên, nếu thời tiết có mưa to thì tình trạng ngập sẽ càng nghiêm trọng.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp tổ chức trực ban để nắm bắt, thông báo tình hình và kịp thời ứng cứu khi triều cường lên cao.
Nhiều xe bị chết máy, đành phải dẫn bộ giữa quốc lộ nhiều xe lớn. Ảnh: VOV
Trong vòng 30 phút, mực nước tại một số tuyến đường như Trần Văn Hoài, Quang Trung... dâng cao khoảng 50cm. Ảnh: VOV
Nút giao IC3 (đoạn trước siêu thị GO), giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài... do triều cường lên nhanh, các phương tiện di chuyển chậm để đảm bảo an toàn. Ảnh: VOV
Triều cường gây ngập các tuyến đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Các quận, huyện tổ chức kiểm tra, vận động người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn; kiểm tra đê bao bảo vệ khu dân cư, vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu, nhằm kịp thời phát hiện và khắc phục nguy cơ sạt lở, vỡ đê bao; hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu; quản lý tốt các van ngăn triều, hạn chế nước chảy ngược từ đường cống vào thành phố, gây ngậpđô thị…
Đối với các quận trung tâm, đặc biệt là quận Ninh Kiều - khu vực thường bị ngập sâu trong các đợt triều cường, lực lượng chức năng cần tổ chức kiểm tra, vận hành có hiệu quả các van ngăn triều để hạn chế tối đa nước từ sông theo các đường cống chảy ngược vào thành phố.
Cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân đi qua điểm ngập gần nút giao IC3 (quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Triều cường gây ngập trên đường Quang Trung, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN
Các quận, huyện kiểm tra các tuyến phố, đặc biệt là các nắp hố ga trên vỉa hè, mặt đường để tránh hố sâu nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khi nước rút tổ chức kiểm tra thu gom rác tại các miệng cống thoát nước, đảm bảo cho nước rút một cách nhanh nhất, sớm đưa hệ thống giao thông trở lại bình thường.
Thành phố cũng yêu cầu chính quyền địa phương những nơi bị ảnh hưởng do triều cường tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn, thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm tạm thời.
Tại những vị trí ngập sâu, các tuyến đường cần kênh mương, ao, hồ ngập sâu nguy hiểm khi triều cường dâng cao, lực lượng chức năng cần căng dây, đèn chớp cảnh báo cho người tham gia giao thông; chủ động bố trí lực lượng và phương tiện để tham gia điều tiết giao thông; kiểm tra lại các trụ đèn chiếu sáng và tín hiệu giao thông để tránh rò rỉ điện, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!