Đây cũng là lý do Hà Nội đưa kế hoạch đến năm 2025 sẽ tổ chức làn dành riêng cho xe bus trên 9 tuyến đường và đến năm 2030 làn đường dành riêng cho xe bus sẽ được tổ chức trên 14 tuyến.
Thế nhưng đến nay, Hà Nội cũng mới chỉ thí điểm khôi phục lại làn đường cho xe bus trên 1 đoạn của tuyến đường Nguyễn Trãi. Một khi xe bus vẫn bị bủa vây bởi các loại phương tiện cá nhân khác thì khó có thể phát triển và đủ sức đấp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Từ 1 tháng nay, anh Thắng điều khiển xe bus trên tuyến đường Nguyễn Trãi dễ dàng hơn nhiều, ngay kể cả trong khung giờ cao điểm. Đó là nhờ vào việc phân làn đường dành riêng cho xe bus được Hà Nội thí điểm tại đây.
Không còn tình trạng xe bus bị bủa vây bởi các loại phương tiện khác khi ra vào điểm đón trả khách, thời gian xe bus di chuyển được rút ngắn hơn một nửa.
Trước đây, tuyến đường Nguyễn Trãi cũng đã được tổ chức làn đường dành riêng cho xe bus. Khi đó, xe bus đã có thể chạy với tốc độ 23 km/h, nhanh hơn tốc độ của người đi xe máy. Chính vì thế, khối lượng vận chuyển khách trên tuyến này bằng 1/6 khối lượng toàn hệ thống.
Con số này cho thấy, khi xe bus được đảm bảo quyền ưu tiên sẽ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân và là cơ sở để hạn chế dần các phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc.
Hiệu quả của việc tạo làn đường dành riêng cho xe bus đã được thực tế chứng minh. Nhưng đến nay, 13 tuyến đường khác dự kiến tổ chức làn dành riêng cho xe bus vẫn chưa được triển khai.
Cụ thể như trên tuyến đường Trần Duy Hưng, nhiều khi làn đường sát vỉa hè bị chiếm dụng để xe cá nhân dừng đỗ. Xe bus lại bị các phương tiện khác vây kín trên đường. Như vậy, người dân vẫn lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển nhanh hơn là điều dễ hiểu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!