Thành phố Thủ Đức thống kê, 60% người tử vong vì COVID tại TP này chưa hề tiêm vaccine, trong đó rất nhiều người có bệnh nền. Tuy nhiên, ngành y tế TP Thủ Đức lại đang khó khăn trong việc vận động nhóm nguy cơ đi tiêm chủng.
Không chỉ vậy, TP Hồ Chí Minh còn bỏ lọt nhiều người cao tuổi, bệnh nền không tiêm vaccine vì sự đùn đẩy của y tế phường cho tuyến trên khi tiêm cho nhóm nguy cơ.
PGS.TS. Bác sỹ Vũ Minh Phúc - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh - cho biết: "Những người y tế phường không dám chích đẩy lên tuyến trên, có những người già họ đi không được thì họ chịu ở nhà luôn. Mình nên quy định luôn, những người từ 80 tuổi trở lên thì chích tại nhà. Tôi cũng có những người thân, lớn tuổi vào bệnh viện chích nhiễm COVID, tức là họ lây từ môi trường đi chích".
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định, tất cả các nỗi sợ bệnh nền phản ứng sau tiêm, ngại phiền phức không dám tiêm vaccine COVID-19 là sai lầm. Thực tế, càng lớn tuổi, nhiều bệnh nền, bệnh nền càng nặng thì càng phải tiêm sớm.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, những người đang điều trị bệnh nền vẫn tiếp tục dùng thuốc đầy đủ theo đơn khi tiêm vaccine. Người cao tuổi nên có người theo sát ít nhất 3 ngày sau tiêm, tự theo dõi tình trạng cơ thể 3 tuần sau tiêm để phát hiện nếu có bất thường sẽ được hỗ trợ kịp thời.
Dự báo dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh
Để có sự chuẩn bị tốt các phương án trước những diễn biến của dịch, việc dự đoán được tình hình dịch là điều rất quan trọng. Đơn vị mô hình hóa dịch tễ tại Đại học Monash, Australia vừa đưa ra dự báo về diễn biến dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh để Thành phố chuẩn bị các giải pháp, giảm thiểu số ca tử vong và giảm áp lực chung cho hệ thống y tế quốc gia. Nhóm này đã cung cấp các dự báo liên quan đến COVID-19 cho nhiều quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương và Văn phòng WHO Khu vực. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS, TS James Trauer - Trưởng Đơn vị nghiên cứu này.
Bảo vệ người có nguy cơ cao đang được xem là một trong những chiến dịch quan trọng nhất vào thời điểm này của TP Hồ Chí Minh để hạn chế tỷ lệ mắc mới và tử vong. Trong suốt quá trình triển khai chiến dịch, lực lượng chức năng ở các quận huyện đã đối mắt với khá nhiều khó khăn điển hình như những vấn đề về di chuyển đi lại của người dân hay là những quan niệm khác nhau về việc tiêm vaccine cho người lớn tuổi trong gia đình. Nhưng TP Hồ Chí Minh đang có những cách làm riêng để bảo vệ người có nguy cơ cao.
Triển khai bảo vệ người có nguy cơ cao
Để có thể xét nghiệm đầy đủ không bỏ sót bất cứ ai, trước đó, phường Bình Thuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh đã đi phát phiếu thu thập thông tin những người trên 65 tuổi. Nếu kết quả âm tính, phường sẽ lên kế hoạch tiêm ngừa mũi bổ sung.
Để thống kê được hơn 1.500 người có nguy cơ cao, phường Bình Thuận đã huy động khá nhiều nhân sự, trong đó phần lớn là các tình nguyện viên. Mỗi nhóm gồm 2 người, tỏa đi các khu phố để lấy phiếu thống kê, thực hiện việc xét nghiệm. Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện xét nghiệm 2 lần mới đủ điều kiện tiêm vaccine.
Qua thực tiễn triển khai, nhiều nơi nhận thấy, một số gia đình vẫn còn tâm lý khá chủ quan, cho rằng người lớn tuổi sẽ an toàn hơn khi ở trong nhà. Do đó, ít quan tâm đến việc cập nhật, bổ sung thông tin các đối tượng này cho địa phương.
Không chỉ xét nghiệm, tiêm vaccine bổ sung, nhiều nơi đã lập thêm trạm y tế lưu động, sẵn sàng đến tận nhà phát thuốc, khám chữa bệnh cho người có nguy cơ cao. Nhiều nơi, ngoài việc thống kê người trên 65 tuổi, người dưới 65 tuổi nhưng có bệnh nền vẫn được đưa vào danh sách để được chăm sóc, theo dõi. Sự thay đổi linh hoạt của các chính sách về y tế trong từng thời điểm dịch của TP Hồ Chí Minh đang được kỳ vọng sẽ kéo giảm số ca tử vong, nhất là số ca tử vong của những người có nguy cơ cao và nhiều bệnh nền như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!