Cảnh báo: Gia tăng bệnh nghề nghiệp

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/12/2023 23:15 GMT+7

VTV.vn - Cả nước có 54 triệu người lao động. Dự báo có khoảng 15 triệu người lao động có tiếp xúc yếu tố có hại nghề nghiệp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.

Bệnh nghề nghiệp gia tăng cả về số lượng và loại bệnh. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp thiếu trách nhiệm với sức khoẻ của người lao động… thậm chí đã có những trường hợp tử vong. Chưa kể đến các cơ sở sản xuất có yếu tố độc hại gây bệnh nghề nghiệp chưa được quản lý hiệu quả. Đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động là vấn đề đang rất cần được quan tâm.

Một câu chuyện cụ thể: Trong những ngày qua, nhiều người đã rất lo lắng về sức khỏe của các công nhân đã từng làm việc tại Công ty Châu Tiến, chuyên sản xuất bột đá ở tỉnh Nghệ An, nhất là sau khi phóng viên Thời sự phản ánh về việc có thêm công nhân đã từng làm việc ở công ty này tử vong vì bệnh bụi phổi silic. Như vậy, đến nay, đã có 6 công nhân làm việc ở đây bị tử vong và mới đây đã có 57 trong số 81 công nhân được phát hiện mắc bệnh bụi phổi silic sau khi khám sức khỏe. Bụi phổi silic là 1 trong 28 bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng hàng đầu nước ta. Vì đến nay, bệnh này chưa được chữa khỏi.

UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt 116 triệu đồng đối với công ty này do không quan trắc môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe cho các công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An cũng đã vào cuộc điều tra về các vi phạm của công ty.

Trước đó, năm 2020, cũng xảy ra trường hợp hàng chục công nhân bị nhiễm độc thiếc ở xưởng nghiền phế liệu của công ty huyện Thanh Miện, Hải Dương. Hơn 1 nghìn người lao động đã phải đi xét nghiệm. Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cũng cho thấy môi trường rất bụi, không khí đặc và không đảm bảo thông khí cho công nhân. Hệ thống xử lý bụi, chất thải của công ty cũng không hoạt động và có thể còn ở nhiên liệu sản xuất.

Theo Bộ Y tế, nếu như năm 2013, có 110.000 người được khám, phát hiện 21 loại bệnh nghề nghiệp thì đến năm 2022, đã có 465 nghìn người được khám, phát hiện 33 loại bệnh nghề nghiệp.

Cảnh báo: Gia tăng bệnh nghề nghiệp - Ảnh 1.

Cả nước có 54 triệu người lao động. Dự báo có khoảng 15 triệu người lao động có tiếp xúc yếu tố có hại nghề nghiệp nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Nhưng chỉ có 465 nghìn người là được khám bệnh nghề nghiệp - chỉ chiếm khoảng 3%.

Còn theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tự kiếm việc làm, không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội… Như vậy, không chắc rằng những lao động này sẽ được đảm bảo các điều kiện về sức khoẻ trong quá trình làm việc.

Người lao động là vốn quý của doanh nghiệp và là những người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho đất nước. Chăm lo đời sống và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, người lao động cũng chính là giúp ổn định sản xuất kinh doanh và đảm bảo phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Cảnh báo: Gia tăng bệnh nghề nghiệp - Ảnh 2.

Cùng trao đổi rõ hơn về thực trạng này với PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước