Vụ phóng hỏa giết 11 người vừa qua là do Cao Văn Hùng đến quán uống bia và phát sinh mâu thuẫn đối với nhân viên quán, sau đó đã mua xăng, đổ vào khu vực tầng một quán cà phê, nơi có nhiều xe máy rồi châm lửa đốt. Thường ngày, quán kinh doanh cà phê kết hợp với loa đài phục vụ khách có nhu cầu hát karaoke ngay tại tầng một. Việc hỏa hoạn xảy ra tại một cơ sở "hát cho nhau nghe" là loại hình biến tướng của karaoke, đang làm dấy lên những lo ngại về công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này.
Hiện trường vụ cháy quán cà phê "hát cho nhau nghe" tại số 258 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội
"Theo quy định pháp luật hiện hành, các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường đã được quy định rất cụ thể, từ hình thức hoạt động cho đến các hành vi trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên, đối với những hình thức như "hát cho nhau nghe" (như dịch vụ tại địa chỉ 258 Phạm Văn Đồng) hoặc các loại hình khác như cà phê ca nhạc, phòng thu âm, hay quán ăn kết hợp dịch vụ ca nhạc, nếu có hoạt động hoặc hành vi tương tự với dịch vụ karaoke, cần được coi là những hoạt động mang tính chất dịch vụ thuộc phạm vi quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Việc áp dụng các quy định về an toàn, bao gồm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các loại hình này cần được thực hiện dựa trên sự tương đồng trong tính chất và hoạt động với dịch vụ karaoke", Phó giáo sư, Đại tá Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng Khoa học kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy cho biết.
Phó giáo sư, Đại tá Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy cho biết các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke và vũ trường
Theo PSG.Đại tá Nguyễn Thành Long, từ ngày 1/7/2025, khi Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ chính thức có hiệu lực, các cơ sở kinh doanh, bao gồm cả những dịch vụ biến tướng sẽ phải đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể về phòng cháy, chữa cháy mới có thể đủ điều kiện hoạt động kinh doanh. Các hoạt động này sẽ chịu sự quản lý trên hai khía cạnh chính, thứ nhất là quy định về quy chuẩn quốc gia áp dụng cho nhà ở riêng lẻ, nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh, và các tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy đối với dịch vụ karaoke hoặc các loại hình dịch vụ tương tự. Thứ hai, tiêu chuẩn quản lý dựa trên tính chất nguy hiểm cháy, nổ đối với các dịch vụ mới hoặc chưa được định danh rõ ràng, cũng như những dịch vụ có khả năng hình thành trong tương lai, sẽ được quản lý dựa trên mức độ nguy hiểm cháy, nổ, hậu quả tiềm tàng, và các yêu cầu cụ thể về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
"Ngoài những quy định cụ thể cho các ngành nghề rõ ràng, sẽ có những quy định chung mang tính định hướng để đảm bảo an toàn dựa trên mức độ rủi ro của từng loại hình dịch vụ. Tất cả những nội dung này sẽ được chi tiết hóa trong các văn bản dưới luật như nghị định hoặc thông tư, để đảm bảo rằng khi luật có hiệu lực, việc quản lý sẽ được thực hiện một cách chặt chẽ, bao quát và hiệu quả đối với mọi loại hình dịch vụ kinh doanh", PGS.Đại tá Nguyễn Thành Long cho biết thêm.
Theo số liệu mới nhất vừa cập nhật tính từ đầu tháng 12/2024, chỉ tính riêng ở địa bàn thành phố Hà Nội, qua kiểm tra, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã phát hiện 1538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy. Thế nhưng mới có gần 78 cơ sở karaoke khắc phục và đi vào hoạt động. Rõ ràng, 78 cơ sở karaoke đủ điều kiện hoạt động, con số này không thể đáp ứng nhu cầu của một thành phố hơn 8,5 triệu dân như Hà Nội. Trong bối cảnh nhiều cơ sở karaoke buộc phải tạm dừng hoạt động do không đạt yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, loại hình "hát cho nhau nghe" đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ.
Hàng loạt cơ sở có dịch vụ karaoke lại đang hoạt động dưới hình thức quán cà phê hay nhà hàng hát cho nhau nghe
"Việc đưa một số loại hình hoặc dịch vụ kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ cao vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Không chỉ riêng loại hình "hát cho nhau nghe", mà các dịch vụ khác cũng cần được đánh giá dựa trên mức độ nguy hiểm, khả năng gây cháy nổ, và hậu quả tiềm tàng đối với xã hội. Công tác quản lý phòng cháy, chữa cháy sẽ đóng vai trò trọng tâm trong việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh này. Tôi tin rằng, không chỉ các dịch vụ hiện tại, mà cả những dịch vụ mới xuất hiện trong tương lai, nếu có nguy cơ gây cháy nổ và hậu quả nghiêm trọng, đều cần được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện đặc biệt để đảm bảo an toàn và trật tự xã hội", Đại tá Nguyễn Thành Long nhấn mạnh.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Thành Long, các cơ sở kinh doanh có điều kiện đặc biệt luôn chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cấp trên nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, và an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, do sự biến tướng linh hoạt và khó kiểm soát của các loại hình dịch vụ này trong bối cảnh thị trường hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn gặp nhiều lúng túng trong việc áp dụng quy định và tiêu chuẩn hiện hành. Việc quản lý các loại hình kinh doanh mới cần có tầm nhìn dài hạn, dự liệu các biến tướng trong tương lai, và cần xây dựng các bộ luật và quy định dựa trên những nguyên tắc chung nhất về tính chất an toàn, mức độ nguy hiểm cháy nổ, cũng như hậu quả tiềm tàng của từng loại hình dịch vụ và hoạt động kinh doanh.
"Theo tôi, dù Nghị định 54 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke và dịch vụ vũ trường có được bổ sung, sửa đổi, cũng khó có thể bao quát hết mọi vấn đề hoặc giải quyết triệt để các hậu quả, cũng như các hình thức kinh doanh biến tướng khác nhau. Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh hiện nay hoạt động với mô hình kết hợp đa dạng. Ví dụ, một cơ sở có thể tầng dưới kinh doanh dịch vụ giải trí như bi-a, bên trên lại có dịch vụ massage, xông hơi, chăm sóc sức khỏe; tầng hai, tầng ba có thể là dịch vụ ăn uống, giải trí; và cuối cùng là karaoke hoặc các hình thức ca hát", Đại tá Nguyễn Thành Long nhận định.
Năm 2022, sau vụ cháy quán karaoke An Phú tại Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên toàn quốc
Đại tá Nguyễn Thành Long cho rằng thay vì chỉ sửa đổi các quy định hiện hành, nhà nước cần áp dụng cách tiếp cận quản lý mang tính bao quát, tập trung vào việc xây dựng những quy định chung, dựa trên các yếu tố cơ bản như đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; bảo vệ tính mạng và tài sản người dân. Chỉ khi xây dựng được khung quản lý toàn diện và áp dụng nhất quán, mới có thể đảm bảo sự an toàn cho người dân và hiệu quả trong công tác quản lý.
Vụ cháy kinh hoàng tại quán cà phê kết hợp hát cho nhau nghe đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về những lỗ hổng trong quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ núp bóng này. Những vụ việc đau lòng sẽ còn tiếp diễn nếu như các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương không kịp thời siết chặt các quy định pháp luật và tăng cường hiệu lực quản lý. Nhưng bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự cảnh giác và ý thức của mỗi một cá nhân, cơ sở kinh doanh cũng đóng vai trò then chốt. Chúng ta cần phải hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn những thảm kịch tương tự xảy ra trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!