Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên

Ngọc Lan-Thứ năm, ngày 10/10/2024 07:02 GMT+7

VTV.vn - Việc nghiện mạng xã hội tác động tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần của thanh thiếu niên, vì vậy, cần phải có giải pháp để giải quyết một cách hiệu quả vấn đề này.

Mạng xã hội hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người, trong đó có thanh thiếu niên. Các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok được sử dụng rộng rãi để giao tiếp, chia sẻ thông tin và giải trí. Lợi ích không thể phủ nhận, song nhiều người, nhất là trẻ em đã trở nên phụ thuộc vào mạng xã hội, gây những hệ quả tiêu cực đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần.

Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên - Ảnh 1.

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới tại 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada, lượng lớn thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến và có nguy cơ nghiện cờ bạc.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về sự gia tăng đáng kể việc sử dụng mạng xã hội có vấn đề ở thanh thiếu niên, gây tác hại về sức khỏe tâm thần của họ. Cảnh báo này dựa trên kết quả khảo sát với 280.000 người trong độ tuổi 11, 13 và 15 ở 44 quốc gia ở châu Âu, Trung Á và Canada. 

Khảo sát cho thấy, hơn 30% thanh thiếu niên chơi trò chơi trực tuyến hàng ngày, 22% trong số đó chơi ít nhất là 4 giờ, 12 % số thanh thiếu niên có nguy cơ nghiện cờ bạc. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần hành động ngay để giúp thanh thiếu niên thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, vốn được chứng minh là có thể dẫn đến trầm cảm, bắt nạt, lo lắng và kết quả học tập kém. Tổ chức Y tế Thế giới cũng kêu gọi các nước thúc đẩy đưa kiến thức số vào trường học, tăng cường các dịch vụ sức khỏe tâm thần cũng như đào tạo giáo viên và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời thực thi trách nhiệm giải trình đối với các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội.

"Nghiện" mạng xã hội được định nghĩa là tình trạng mất kiểm soát đối với việc sử dụng, dù ban đầu nó mang lại sự thỏa mãn cho người dùng. Ở thanh thiếu niên, có thể nhận biết qua một số dấu hiệu sau: Thứ nhất, các em không quan tâm đến các hoạt động khác ngoài màn hình; thứ hai, gia tăng cảm giác lo âu, căng thẳng ngay cả khi không sử dụng màn hình hoặc đang tham gia các hoạt động khác; thứ ba, có hành vi nói dối, che giấu về việc sử dụng màn hình hay mạng xã hội; thứ tư, các em có thể mạo hiểm hoặc mất đi những mối quan hệ, cơ hội lớn trong học tập và cuộc sống", Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết.

Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên - Ảnh 2.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương, Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết về tình trạng "nghiện" mạng xã hội ở thanh thiếu niên hiện nay

Theo bà Hương, mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong thời đại ngày nay, nhưng cũng tồn tại những tác hại đáng lưu ý. Trước hết, nó có thể gây tổn thương cho não bộ, cột sống, mắt và dẫn đến một số bệnh lý khác, đặc biệt ảnh hưởng đến trí nhớ và rối loạn giấc ngủ của học sinh. Các em cũng có thể gặp khó khăn khi bị cô lập xã hội, nghiện game online hoặc cờ bạc trên mạng. Thêm vào đó, các em có thể cảm thấy ghen tị, tự ti và không hài lòng với cuộc sống của mình. 

Một vấn đề nghiêm trọng khác là sự suy giảm giao tiếp trực tiếp và các hoạt động có ý nghĩa trong đời sống thực, thay vào đó là việc gia tăng kết nối ảo. Điều này có thể đẩy các em vào những tình huống nguy hiểm như bị bắt nạt trên mạng hoặc bị xâm hại tình dục qua mạng. Nếu những vấn đề này không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm hành vi tự làm hại bản thân, suy nghĩ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Ngày 4/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích về những thuật toán của mạng xã hội, tạo ra sự thu hút không ngừng nghỉ với người dùng.

"Thuật toán mạng xã hội là một khía cạnh tinh vi trong sự phát triển hiện nay. Những thuật toán này được lập trình để hiển thị nội dung dựa trên cơ chế "trả thưởng" của não bộ, khiến người dùng liên tục tìm kiếm phần thưởng dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác hưng phấn và kích thích). Đây là lí do chính khiến người dùng liên tục tìm kiếm, kiểm tra màn hình của họ, do sự giải phóng dopamin bị thao túng, dẫn đến việc lặp đi lặp lại các hành vi khi tham gia vào mạng xã hội. Tình trạng này tương tự như nghiện cờ bạc trực tuyến hoặc nghiện game online", bà Hương cho biết thêm.

Tại Việt Nam, đã có tình trạng trẻ em nghiện màn hình và internet. Các em dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và tivi, gây tiêu cực đến cảm xúc và hành vi. Tuy nhiên, thuật ngữ "nghiện" mạng xã hội hiện chưa được đưa vào tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số rối loạn tâm thần thường gặp của Bộ Y tế. 

Ở trong nước, những nghiên cứu về tác động của mạng xã hội tới thanh thiếu niên khá ít. Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Theo khảo sát của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội năm 2022, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5 - 7 giờ một ngày, thế nhưng chỉ có 36% được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng. 

Một nghiên cứu của trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có 10 - 12% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet rồi. Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia của trường Đại học Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, có 31% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bị bắt nạt trực tuyến.

Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên - Ảnh 3.

Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF năm 2022, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 – 13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%

"Thực tế, các nghiên cứu này chưa được đồng bộ và thiếu sự phối hợp liên ngành giữa các lĩnh vực giáo dục, y tế hay lao động xã hội. Điều này khiến việc biến các nghiên cứu thành can thiệp hiệu quả, toàn diện đối với lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay", bà Hương đánh giá.

Cũng theo bà Hương, việc coi thuật ngữ "nghiện" mạng xã hội là một chứng rối loạn tâm thần thường gặp theo hướng hướng dẫn của Bộ Y tế là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu thực chứng để xác định rõ các tiêu chí chuẩn đoán và đánh giá những tác động của mạng xã hội đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Từ đó, có thể xây dựng biện pháp can thiệp và phòng ngừa một cách hiệu quả.

Tháng 3/2024, 4 trường học tại Canada đã kiện các nền tảng là Snapchat, Tiktok và Facebook vì đã gây nghiện và làm gián đoạn học tập của trẻ. Tháng 10 năm 2023, chính quyền của gần 40 bang của Mỹ cũng đã đệ đơn kiện các nền tảng của Tập đoàn Beta - Công ty mẹ của Facebook và Instagram, WhatsApp với cáo buộc là các ứng dụng này đã gây hại cho sức khỏe, tinh thần và thể chất của người trẻ. Một số quốc gia còn tính đến việc ban hành các đạo luật về vấn đề này. Tại Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều và đang có rất nhiều câu hỏi khó đặt ra và cần tìm câu trả lời.

"Việc nhiều trường học trên cả nước yêu cầu học sinh tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động từ năm học 2024 – 2025 là một giải pháp mang tính tức thời, không tối ưu và lâu dài. Bởi việc giáo dục học sinh ý thức về kỷ luật tự giác và tăng cường cam kết với bản thân sẽ mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững hơn cho cả học tập và cuộc sống. Bên cạnh đó, phải nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và phụ huynh để giúp các em tự tin hơn, cải thiện kỹ năng quản lý và sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả. Rõ ràng, nhà trường và phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc này", bà Hương nhấn mạnh.

Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên - Ảnh 4.

Nhiều trường học trên cả nước yêu cầu học sinh không sử dụng điện thoại di động

Bà Hương khẳng định, cần phải có những giải pháp từ phía nhà trường và phụ huynh. Điều này cũng xuất phát từ các nghiên cứu liên ngành giữa ngành giáo dục, y tế, lao động xã hội và các lĩnh vực khác. Thứ hai, cần có sự thấu hiểu từ phía gia đình và nhà trường đối với sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Có rất nhiều trường hợp các em gặp khó khăn về cảm xúc, gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, cảm thấy cô đơn và tìm kiếm sự ghi nhận trên mạng xã hội. Khi các em tham gia vào những hoạt động ý nghĩa, sự tự tin của các em sẽ được củng cố, giúp các em rời xa màn hình một cách tự nhiên nhất mà không cần dựa trên sự cấm đoán nào. Cần phải giúp học sinh nhận ra rằng, điều quan trọng khi sử dụng mạng xã hội chính là làm chủ thiết bị, chứ không để thiết bị làm chủ.

Cảnh báo nguy cơ nghiện mạng xã hội ở thanh thiếu niên - Ảnh 5.

Nhiều phụ huynh không cấm con dùng mạng xã hội mà chọn cách chia sẻ, đồng hành cùng con

Mạng xã hội ngày càng không ảo nữa mà có thể là tiền đề của những thay đổi trong thế giới thực. Mạng xã hội giống như con dao hai lưỡi, có thể giúp thanh thiếu niên giải trí kết nối một cách dễ dàng. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng tiềm ẩn rất nhiều tác hại khó lường. Vì vậy, người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên cần phải trang bị những kiến thức, những kỹ năng cần thiết. Chỉ khi nào trẻ được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì được sự kiểm soát, việc dùng mạng xã hội mới trở thành chìa khóa để tận dụng triệt để những lợi ích thiết thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước