Dù đã liên tục cảnh báo về những rủi ro liên quan đến các thông tin giả mạo, sai lệch trên mạng xã hội nhưng thực trạng này vẫn còn rất nhức nhối, nhất là liên quan đến sức khỏe, không ít tài khoản tự xưng là chuyên gia, bác sĩ lên mạng tư vấn, chữa bệnh "online"… gây hoang mang cho người dùng mạng xã hội.
Dễ nhận thấy hàng loạt các bài viết về anti vaccine hay thậm chí hướng dẫn cách điều trị cận thị phản khoa học được đăng tải trên mạng xã hội. Và khi người đăng tự xưng là bác sĩ thì ắt sẽ thu hút được nhiều lượt tương tác cho bài viết, dù thông tin trên bài viết chưa từng được kiểm chứng.
Chị Vũ Thị Phương Anh - TP Hà Nội cho biết, bản thân hay sử dụng mạng xã hội để cập nhật kiến thức nuôi con, nhất là việc sử dụng vitamin cho trẻ. Thời gian qua, chị Phương Anh có xem được thông tin rằng những đứa trẻ sơ sinh dùng D3K2 tỷ lệ lớn gây khó ngủ. Thông tin này khiến chị khá hoang mang vì cũng đã sử dụng vitamin này cho con từ lúc sinh ra đến nay, và điều này cũng hoàn toàn khác so với những gì chị Phương Anh được bác sĩ tư vấn ban đầu.
Trên thực tế, những thông tin chưa được kiểm chứng này của các "bác sĩ online" lại được không ít phụ huynh tin và làm theo. Nhưng chỉ sau một thời gian, khi phát hiện việc áp dụng không ổn, các bậc cha mẹ vội vã "quay xe".
Chị Nguyễn Thị Hà - TP Hà Nội cho biết: "Tôi áp dụng cho bé ăn dặm tự chỉ huy và bé chỉ ăn rau củ và tinh bột thì sau 1 tháng có kiểm tra cân nặng của bé thì cũng không có thay đổi. Tôi cũng cảm thấy không đủ dinh dưỡng cho con". Ngay sau đó, chị Hà đã lập tức phải điều chỉnh chế độ ăn cho con vì áp dụng thực đơn không phù hợp.
TS.BS: Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, khoảng 90% các bà mẹ đưa con đến khám về các vấn đề về dinh dưỡng liên quan đến phát triển hoặc liên quan đến bệnh lý, dinh dưỡng thì đều có hiểu biết sai lầm đến từ nguồn thông tin không chính thống. Ví dụ áp dụng phương pháp nuôi con kiểu Nhật Bản, nuôi con ăn chỉ huy... thì các phương pháp đó chỉ đúng cho từng nhóm đối tượng trẻ. Ví dụ trẻ đang suy dinh dưỡng cấp mà lại áp dụng ăn chỉ huy thì rõ ràng thấy rằng là tình trạng trẻ sẽ ngày càng trầm trọng đi.
Không ít tài khoản trên mạng xã hội đã bị xử phạt về những phát ngôn sai lệch. Mới đây, 1 TikToker đã bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính vì lan truyền thông tin sai sự thật.
TS. Đặng Văn Cường - Giảng viên Luật hình sự, Đại học Thủy Lợi cho biết: "Chúng ta không thể phát ngôn 1 cách tùy tiện và đặc biệt người có uy tín, nhân danh nghề nghiệp. Với hậu quả để lại, mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức. Nếu bị xử lý hình sự thì có thể bị cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Còn nếu phát ngôn đó dẫn đến hành vi trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì thì hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân".
Thông tin trên không gian mạng có thể ảo nhưng hậu quả sẽ là thật, nhất là với những thông tin về sức khỏe. Do đó, người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng trước các phát ngôn, người dân cần biết chọn lọc thông tin, tránh những rủi ro đáng tiếc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!