Đối với những bệnh nhân cần cấp cứu, từng giây, từng phút được coi là "thời gian vàng" cần tận dụng. Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã đặt hàng Trung tâm cấp cứu 115 và Hội Đột quỵ thành phố triển khai mạng lưới cấp cứu đột quỵ chuyên biệt, trong đó tính đến việc sử dụng phương tiện là máy bay trực thăng để tận dụng "thời gian vàng" cứu sống bệnh nhân.
Vấn đề làm thế nào để triển khai việc cấp cứu cho bệnh nhân bằng máy bay trực thăng một lần nữa được đặt ra. Thực tế, tại Bệnh viện Quân y 175 đã cứu sống nhiều trường hợp cấp cứu bằng hàng không, bệnh viện cũng đã thử nghiệm thành công chuyến bay trực thăng cấp cứu với bãi đáp ngay ở Viện Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện.
Theo Sở Y tế TP.HCM, cấp cứu bằng đường không là nhu cầu thực tế không chỉ của thành phố mà còn các tỉnh lân cận. Hiện Sở Y tế cũng đã tính đến phương án liên kết để đa dạng loại hình cấp cứu với mục tiêu tranh thủ "thời gian vàng" cấp cứu người bệnh.
Sự liên kết kỳ vọng sẽ hình thành một trung tâm cấp cứu đa năng. Một chuyến bay cấp cứu chính thức đáp trên bệnh viện trong thời gian tới đang được các đơn vị xúc tiến. Không chỉ cấp cứu bệnh nhân, đề án cấp cứu bằng trực thăng còn kỳ vọng vận chuyển ghép tạng và các trường hợp khẩn cấp mà các nước trên thế giới đã áp dụng.
Hiện đề án cấp cứu bằng trực thăng tại TP.HCM vẫn đang được lấy ý kiến để thống nhất giữa các đơn vị quản lý hàng không, các bộ phận điều hành mặt đất để phân tuyến đường bay an toàn. Tuy nhiên, ngoài việc hoàn thiện đề án, các ý kiến chuyên môn cũng cho rằng chuẩn bị phương tiện chuyên biệt. Bên cạnh đó, do đặc thù hoạt động hàng không có sự phối hợp với các ban ngành do vậy, với các bệnh viện đã có bãi đáp cần phối hợp để có quy trình chặt chẽ để hoạt động cấp cứu có thể triển khai.
Theo các chuyên gia, với việc phát triển kinh tế, nhiều chuyên gia, người nước ngoài đến Việt Nam nếu không tiếp cận và cung cấp dịch vụ bay cấp cứu, thị trường Việt Nam sẽ để trống cho các công ty nước ngoài. Hơn hết, một số trường hợp tranh thủ "thời gian vàng" để cấp cứu sẽ bị bỏ lỡ.
Thế giới cấp cứu bằng trực thăng trong trường hợp nào?
Theo hướng dẫn của Y tế Hàng không của Mỹ, vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không được chỉ định khi vận chuyển trên mặt đất không khả thi do các yếu tố như thời gian vận chuyển, khoảng cách vận chuyển và mức độ chăm sóc cần thiết trong quá trình vận chuyển. Những bệnh nhân có nhiều khả năng được hưởng lợi từ vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không là:
- Bệnh nhân chấn thương nặng với vết thương xuyên thấu ngực, chấn thương đa cơ quan, chấn thương dập nát, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người lớn trên 55 tuổi có dấu hiệu sinh tồn không ổn định.
- Bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp cần làm thủ thuật tái thông nối mạch gấp, chèn ép tim có tổn thương huyết động, sốc tim cần bơm bóng chèn trong động mạch chủ hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác.
- Bệnh nhân được ghép tạng
- Những bệnh nhân nội khoa hoặc phẫu thuật có nguy cơ cao mắc bệnh nặng.
Vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không có thể không khả thi trong điều kiện thời tiết xấu, bệnh nhân không hợp tác, tràn khí màng..., bệnh nhân mới được phẫu thuật bụng gần đây, có nguy cơ tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, chấn thương mặt nặng và giảm ý thức, tất cả những bệnh nhân này đều có thể trở nặng đột ngột trong quá trình vận chuyển bằng đường hàng không.
Trực thăng quân đội đưa 2 người dân ở vùng lũ Quảng Trị đi cấp cứu VTV.vn - Sư đoàn 372 đã vận chuyển hàng hóa tiếp tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và đưa 2 người dân về Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!