Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cầu Long Biên đã trở thành một trong những biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, sau bao thời gian cây cầu đã xuống cấp ở nhiều hạng mục buộc bảo duy tu, bảo trì.
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên (TP Hà Nội) hiện đã 119 tuổi tính từ thời điểm thông xe năm 1902. Sau khoảng 14 năm phơi sương phơi nắng cùng với thời gian, toàn bộ hệ thống thành cầu sắt đã hoen gỉ.
Những ngày gần đây, dưới trời nắng gắt hàng chục công nhân của Công ty CP Đường sắt Hà Hải vẫn miệt mài tiến hành sửa chữa, sơn lại 200m2 lan can cầu. Kinh phí sửa chữa, duy tu lại cầu Long Biên lần này được trích từ gói duy tu hàng năm.
Để sơn có độ bền lâu thì đầu tiên các công nhân phải đánh gỉ sạch, sơn chống gỉ, tiếp theo sơn hai lớp phủ.
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng tổ 4 (Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải), đơn vị thi công gồm 40 công nhân, chia làm 4 tổ, đầu tiên tiến hành vệ sinh, sơn lớp một chống gỉ toàn bộ hai bên thành cầu Long Biên, sau đó tiến hành sơn cuốn chiếu lớp hai để hoàn thiện.
"Lần sơn mới cầu Long Biên gần nhất đã cách đây khoảng 14 năm. Định kỳ hàng năm, công ty đều thực hiện nhiệm vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt trên cầu Long Biên, nhất là các hạng mục đảm bảo an toàn chạy tàu theo đơn đặt hàng của VNR, tuy nhiên đến thời điểm này chưa sơn mới lần nào. Cùng với thời gian, toàn bộ kết cấu cầu đã bị hoen gỉ, gây mất mỹ quan cho cầu. Do đó, việc vệ sinh, sơn mới lại cầu là yêu cầu cấp thiết", anh Hùng cho biết.
Công nhân thực hiện việc đánh rỉ những chỗ khó để tiến hành sơn chống rỉ và sơn phủ phía dưới chân cầu Long Biên.
Các công nhân được chia làm 2 ca sáng - chiều. Thời gian làm việc từ 7h sáng đến 5h chiều, và mỗi ca được chia thành nhiều nhóm.
Chị Yến, công nhân Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đang miệt mài sơn lại cầu Long Biên.
Chị Yến chia sẻ: "Tuy công việc khá vất vả vì phải làm dưới nắng nóng, nhiều vị trí phải nhoài người ra bên ngoài thành cầu mới sơn được, rất nguy hiểm, nhưng việc bảo vệ, làm mới một di tích lịch sử như cầu Long Biên có ý nghĩa rất lớn với anh chị em công nhân chúng tôi".
Phía bên đường lên cầu, một nhóm công nhân thực hiện đục, mài các thanh gỗ lớn thay thế cho các thanh gỗ đã mục tại đường ray trên cầu Long Biên.
Người dân vẫn có thể di chuyển một cách bình thường trên cầu Long Biên, do việc thi công chỉ chủ yếu tập trung ở lan can cầu nên không làm ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên cầu.
Dự kiến, việc "mặc áo mới" cho cầu Long Biên sẽ hoàn thành trong tháng 11/2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!