Là cây cầu nối hai bờ sông Hồng, cầu Long Biên không chỉ được xem là biểu tượng lịch sử, văn hóa của Thủ đô mà còn là một điểm nối giao thông quan trọng.
Cầu xuống cấp đã tạo nên một nút thắt gây cản trở vận tải, nhất là vận tải hàng hóa của ngành đường sắt. Dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng cây cầu gần 120 năm tuổi này vẫn đang lộ rõ những hỏng hóc nghiêm trọng.
Trụ thép bị ăn mòn mục ruỗng, phần kết cấu giằng thép cũng đã đứt gãy. Những vị trí bị hư hỏng, xuống cấp như vậy không đếm xuể suốt 1.680m chiều dài cầu Long Biên. Nguy hiểm hơn, vào giữa năm 2020, trụ cầu số 16A bị sà lan đâm phải khiến cây cầu càng thêm rệu rã. Ngành đường sắt đã phải triển khai những biện pháp cấp bách để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Cầu Long Biên đang lộ rõ những hỏng hóc nghiêm trọng
Hạn chế tốc độ và tải trọng có thể là những giải pháp trước mắt nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. Nhưng điều đó cũng khiến đường sắt đánh mất lợi thế của mình là vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn. Hơn nữa, khi phải thực hiện các biện pháp giảm tải cũng đồng nghĩa phát sinh chí phí.
Để khắc phục tình trạng này, việc cải tạo sửa chữa được đơn vị quản lý tiến hành thường xuyên. Tuy nhiên, nguồn vốn phục vụ bảo trì chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nên cứ sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác. Việc hạn chế tốc độ và tải trọng với các đoàn tàu vẫn không thể dỡ bỏ.
Đường sắt đang đẩy mạnh khai thác vận tải hàng nông sản từ miền Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và chiều ngược lại. Vì thế, nhu cầu kết nối vận tải hàng hóa các tuyến qua sông Hồng rất lớn. Thế nhưng với thực trạng hư hỏng và xuống cấp của cầu Long Biên như hiện nay, đường sắt thực sự gặp khó trong thực hiện mục tiêu này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!