Cây xanh là một thành tố làm nên bản sắc của Hà Nội. Một hàng cây bị chặt đi cũng khiến người dân bâng khuâng tiếc nhớ như hàng cây cổ thụ dọc hồ Thủ Lệ hay hàng cây xà cừ trên phố Nguyễn Trãi năm nào. Rồi một hàng cây mới được trồng xuống các con phố, người dân lại được một phen ồn ào như hàng cây phong lá đỏ dọc phố Trần Duy Hưng hay cây vàng tâm ở phố Nguyễn Chí Thanh, rồi lại đau đầu vì quá nhiều cây hoa sữa ở Trung Hòa… Vậy Hà Nội phù hợp để trồng cây gì?
Hàng cây phong lá đỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh đang có hiện tượng bị chết, héo. Ảnh: TTXVN
45 cây đã chết, 217 cây sống nhưng sinh trưởng, phát triển kém mặc dù đã có nhiều ý kiến phản biển trước khi trồng là câu chuyện của hàng cây phong lá đỏ. Sau 3 năm trồng thử không thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội đã cho thấy, khi trồng cây, kể cả mới hay cũ đều phải trồng thử nghiệm trước, không thể đưa vào trồng ồ ạt.
Lý giải từ Sở Xây dựng Hà Nội, 262 cây phong này là do một đơn vị tặng thành phố. Tuy vậy, được tặng cũng không thể nói là không lãng phí, vì thời gian 3 năm để chờ một bóng mát, không phải là ngắn.
Sau 3 năm trồng thử nghiệm, hàng cây này sắp được thay thế bằng một loại cây khác. Ảnh: VOV
GS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng: "Cây cối phải phù hợp về mặt sinh thái. Ngoài mục đích che bóng còn phải về cấu trúc cảnh quan, thẩm mỹ hoặc các tiêu chuẩn thế giới đã đúc kết bao năm nay. Cây ở ôn đới chưa được thử nghiệm mà đã đưa vào trồng kinh tế đại trà thì đương nhiên là hỏng".
Ông Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định: "Cho dù là doanh nghiệp trồng thử thì cũng là lãng phí. Điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hình thành cây xanh đô thị. Nó không phải là vật thí nghiệm tùy tiện cho dù là nguồn vốn nào".
Trước đây, trước khi trồng đại trà, cây ở Hà Nội được ươm thử ở vườn Bách Thảo. Đó là sự nghiên cứu tỉ mỉ, và có khoa học nên mới tạo ra những hàng cây đã trở thành huyền thoại của Hà Nội như hàng xà cừ ở Chu Văn An, Lý Nam Đế; hàng sấu ở Phan Đình Phùng; sao đen phố Lò Đúc hay hoa sữa ở Nguyễn Du… Với Thủ đô, không thể cứ thích là trồng mà không có thử nghiệm.
hàng dây sao đen trên phố Lò Đúc. Ảnh: Dân trí
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, phải nhìn nhận với Hà Nội, cây xanh là yếu tố tạo nên bản sắc, góp phần tạo nên quỹ di sản phong phú".
Trong quy hoạch mở rộng Hà Nội năm 2014, thành phố đã xác định 82 loại cây không nên trồng và 72 loại nên trồng nhưng phải thích hợp với từng loại hè phố. Kết quả đó là gợi mở và cũng là để tham khảo để trong ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Lân Hùng - Hội các ngành sinh học Việt Nam gợi ý: "Cây xanh đô thị không cần quá cao và lá xanh quanh năm thì tốt. Cây xoài tán rất đẹp, có hoa, có lá, có quả, rất hợp lý. Hiện nay, Hà Nội cũng đưa cây xoài hoặc những cây linh thiêng như cây gạo, cây bàng lá nhỏ mới cũng rất đẹp…".
Hà Nội đã hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600.000 cây đô thị, cây bóng mát, phủ kín trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực. Tính hiệu quả của cây xanh phải được tính bằng năm, vậy nên, trồng cây phải phù hợp về khoa học và văn hóa để tạo nên bản sắc của Thủ đô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!