Đề án 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh

Ngọc Tình, Lan Phương (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 04/03/2021 20:29 GMT+7

VTV.vn - 45 địa phương đã đăng ký tham gia sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động. Rồi đây, cây xanh sẽ phủ xanh nhiều tuyến đường đô thị và các diện tích đất trống,

Trồng mới 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh" là sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ sau các trận mưa lũ và sạt lở đất nghiêm trọng hồi tháng 9 và tháng 10 ở miền Trung trong năm 2020.

Hưởng ứng Tết trồng cây hàng năm cũng như sáng kiến này của Thủ tướng, ngay từ sau những ngày đầu xuân Tân Sửu đến nay, hoạt động trồng cây đã đồng loạt diễn ra ở nhiều địa phương với đa dạng loại cây, phù hợp đặc thù từng khu vực, với kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường cũng như góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân tại các địa phương.

Đề án 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham gia Lễ phát động Tết trồng cây. Ảnh: TTXVN

Theo đề án trồng 1 tỷ cây xanh được Bộ NN&PTNT trình Chính phủ, trong 5 năm từ năm 2021-2025, cả nước sẽ trồng mới khoảng 700 triệu cây phân tán tại các đô thị, khu vực nông thôn, khu công nghiệp; ưu tiên khu vực ven biển. 300 triệu cây rừng được trồng tập trung ở các khu vực đất trống, đồi trọc gồm các loại cây gỗ lớn, cây bản địa, cây lâu năm, đa mục tiêu kết hợp phòng hộ.

Chương trình 1 tỷ cây xanh không tính các diện tích trồng lại rừng, chỉ tính trồng mới rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng. Nguồn lực thực hiện chương trình bao gồm giống cây, công trồng, chăm sóc… chủ yếu là xã hội hóa, huy động từ các tổ chức xã hội và cộng đồng, một phần lồng ghép từ các chương trình đầu tư công quốc gia, giai đoạn 2021-2025 và kêu gọi các nguồn tài trợ quốc tế, nguồn vốn ODA.

Triển khai đề án 1 tỷ cây xanh ở các địa phương

Hiện đã có 45 địa phương trên cả nước đăng ký tham gia sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh, với hàng loạt cơ chế chính sách đi kèm để thực hiện tốt chương trình này. Ngay tại thời điểm này, nhiều địa phương đang đẩy mạnh triển khai trồng cây phân tán ở các tuyến đường giao thông, không gian công cộng, khu dân cư và phủ xanh các diện tích đất trống, đồi trọc.

Trên 90% tuyến đường liên xã và các khu vực công cộng ở huyện Văn Bàn, Lào Cai đang được trồng mới các loại cây bản địa như lát hoa, sấu… Các đoàn thể và cộng đồng huy động nguồn vốn chủ yếu mua cây giống, trồng cây và phân công chăm sóc, bảo vệ.

Nhiều địa phương như tỉnh Tuyên Quang tiếp tục hỗ trợ 100% giống cây chất lượng cao như cây keo lai mô đối với các hộ trồng rừng diện tích từ 0,3 ha trở lên. Tất cả là nhằm tăng diện tích rừng cây gỗ lớn, mang lại cả hai lợi ích kinh tế và môi trường.

Cùng với triển khai các cơ chế hỗ trợ về giống, vốn để trồng các loại cây gỗ lớn, có giá trị cao, nhiều địa phương đang đẩy mạnh xác nhận chứng chỉ quản lý rừng bền vững,nhằm giúp người dân có cuộc sống ổn định từ trồng rừng, thực hiện hiệu quả sáng kiến 1 tỷ cây xanh.

Thực hiện sáng kiến 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng, chính quyền và cộng đồng nhiều địa phương đang tiếp tục rà soát các diện tích đất, đặc biệt là các diện tích đất trống, đồi trọc và các khu vực công cộng chưa được phủ xanh. Tất cả là nhằm tạo ra môi trường sống trong lành cũng như các giá trị kinh tế cho người dân"

Huy động nguồn lực trồng 1 tỷ cây xanh

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, độ che phủ của rừng ở Việt Nam đạt 42% nhưng rừng phân bố không đều và chất lượng rừng nhiều khu vực bị suy giảm. Còn tỷ lệ đất công viên, cây xanh đô thị tại Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn, mới đạt 2m2/người, thấp hơn nhiều so với chuẩn thế giới là 15m2/người. Chương trình 1 tỷ cây xanh kỳ vọng con số này sẽ tăng mức 4m2/người vào năm 2025.

Đề án 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh - Ảnh 2.

Đoàn viên, thanh niên trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây chiến dịch trồng mới 1 tỉ cây xanh trên cả nước do Thủ tướng Chính phủ phát động tại xóm Kem, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện hiệu quả chương trình này, ngay từ bây giờ sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng với các chương trình, kế hoạch cụ thể là rất quan trọng.

Đề án trồng mới 1 tỷ cây xanh của Bộ NN&PTNN đã trình Thủ tướng Chính phủ đưa ra chỉ tiêu xanh, sạch, đẹp cho tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Lượng hóa chỉ tiêu trồng cây xanh ở các khu vực, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành triển khai nhiều cơ chế với các lộ trình cụ thể từ năm 2021 đến năm 2025 như phát động phong trào Tết trồng cây và hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng, công bố phần mềm xác định bản đồ địa điểm, rà soát quy hoạch đất đai, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây xanh và bảo vệ, phát triển hệ sinh thái cây xanh... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng sẽ xây dựng 3 dự án nâng cao chất lượng rừng có vai trò lớn trong phòng hộ bảo vệ môi trường ở 3 khu vưc Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ngập mặn ven biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh, trong đó có cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam, ứng dụng công nghệ số 4.0 trên điện thoại thông minh.

Các địa phương đang đẩy nhanh rà soát đất đai, làm cơ sở huy động các nguồn lực xã hội đồng thời giám sát, đánh giá, đảm bảo thực hiện hiệu quả chương trình này.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang chú trọng việc trồng cây, phục hồi các hệ sinh thái, phủ xanh đất trống giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Điển hình như Hungary có chương trình trồng 10 cây xanh khi một trẻ em chào đời; Chính phủ Úc có kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh từ nay đến năm 2030. Đây chính là nguồn tài sản vô giá mà chúng ta lưu lại mãi mãi cho các thế hệ sau.

Ước tính nếu trong 5 năm tới, mỗi người chỉ cần trồng 10 - 15 cây xanh là chúng ta đạt kế hoạch. Do đó, chỉ cần bắt đầu ngay từ bây giờ và từ ngay nơi mình sống là chúng ta sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chương trình 1 tỷ cây xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước