Trẻ em đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý khi giãn cách
Hà Nội thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 cũng là khoảng thời gian mà bé Lê Ngọc Hân (4 tuổi) ở nhà bầu bạn với Ipad và tivi. Là con một trong gia đình, bố mẹ vẫn phải đi làm, ông bà thì ở xa lại chẳng được sang nhà hàng xóm chơi với bạn vì giãn cách, cô bé chỉ loanh quanh chơi một mình. Còn với bé Phan Anh (5 tuổi), vốn là một cậu bé hiếu động, ưa khám phá, bé cảm thấy rất buồn chán trong những ngày giãn cách vì thiếu không gian chơi.
Nhiều phụ huynh chỉ nghĩ đơn giản, trẻ em ở nhà thì buồn chán thôi rồi thì cũng sẽ qua nhanh. Vậy nhưng, những nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý đã cho thấy những vấn đề nghiêm trọng hơn.
"Nhiều trẻ em trải qua sang chấn trong thời gian nghỉ dịch. Trẻ em vốn thích hoạt động, thích tương tác với bạn bè. Sự thay đổi đột ngột khiến nhiều em có dấu hiệu sang chấn", Tiến sĩ Martina Moore, Đại học John Carroll, University Heights, OH cho biết.
Theo các chuyên gia, dịch bệnh ảnh hưởng tới đời sống tâm lý và sức khỏe tâm thần của mỗi cá nhân là như nhau. Tuy nhiên, tùy nhận thức hay chiến lược chống đỡ khủng hoảng và cá tính của mỗi người mà diễn biến khác nhau. Đối với các em nhỏ, các em không có đủ năng lực để nhận diện và bộc lộ cảm xúc. Chính vì vậy, khi nhận thấy những biểu hiện tâm lý khác thường ở trẻ, bố mẹ cần can thiệp ngay lập tức.
Ngoài chuyện chơi cũng không được thoải mái thì chuyện học của nhiều em cũng không được như ý muốn thời điểm dịch bùng phát. Tại nhiều tỉnh thành đang giãn cách xã hội, học sinh vẫn đang tiếp tục duy trì việc học trực tuyến. Việc học ở nhà kéo dài, liên tục phải ngồi trước máy tính cũng sẽ dẫn tới những ảnh hưởng sức khỏe nhất định cho các em. Bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi học online là điều rất đáng quan tâm trong mỗi gia đình
Bảo vệ sức khỏe cho trẻ khi học online
Năm học mới bắt đầu gắn liền với những chiếc máy tính, điện thoại, máy tính bảng. Thời gian các em học sinh nhìn vào màn hình điện tử tăng lên và kéo dài trong nhiều ngày, chắc chắn không tránh khỏi ảnh hưởng đến thị lực.
Để bảo vệ mắt cho con, các gia đình nên hạn chế sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, thay vào đó nên cho con học với máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn. Khoảng cách từ mắt đến màn hình nên căn khoảng 1 cánh tay tức là 60-80 cm, màn hình máy tính để nghiêng khoảng 15 độ. Nên có tấm chắn ánh sáng xanh trước màn hình các thiết bị điện tử để bảo vệ thị lực.
Trong trường hợp các con đeo kính do các tật khúc xạ khác nhau thì kính nên có lọc ánh sáng xanh. Nếu bàn học của con gần cửa sổ thì không nên giảm ánh sáng phòng xuống để tránh hiện tượng phân cực ánh sáng, ảnh hưởng đến mắt.
Phụ huynh cũng nên lưu ý một số cách đơn giản sau đây để bảo vệ đôi mắt cho trẻ sau nhiều giờ học online:
- Nhắc trẻ chớp mắt nhiều lần để tránh khô mắt, mỏi mắt
- Giữa các tiết học nên cho mắt nghỉ 5 phút, sau 2 tiếng nên nghỉ 15 phút
- Nguyên tắc 20-20: sau 20 phút thì luyện mắt nhìn xa 20s, tầm nhìn 5-6 mét
- Áp dụng các động tác massage, giảm căng thẳng cho mắt và thần kinh
Việc ngồi lâu trước máy tính mỗi ngày cũng gây áp lực cho lưng, cột sống, xương khớp, cổ vai gáy nói chung. Đối với trẻ em hay thanh thiếu niên, nếu không lưu ý vận động hợp lý đan xen giữa các tiết học online thì rất dễ bị mỏi lưng, đau cổ, dẫn đến uể oải, học không tập trung.
Theo các bác sĩ, ngay khi kết thúc 1 buổi học và sau cả 1 ngày học, các em nên tập luyện thể thao cùng với gia đình. Cha mẹ lưu ý lựa chọn những hoạt động phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của con, phù hợp với không gian trong nhà.
Dù ở lứa tuổi nào, mầm non, tiểu học hay trung học thì nhu cầu vui chơi, vận động ngoài trời của học sinh là rất lớn. Vậy khi không thể ra ngoài do đang trong thời gian giãn cách phòng dịch như hiện nay, có những cách nào giúp trẻ giải phóng năng lượng khi ở nhà? Sau đây là một số gợi ý cha mẹ có thể tham khảo:
Luyện tập thể thao
Các môn thể thao như bóng bàn, cầu lông, đá cầu… thậm chí là bơi lội. Bất cứ môn thể thao nào có thể tổ chức trong nhà đều giúp trẻ giải phóng năng lượng và rèn luyện sức khỏe. Nếu sử dụng các thiết bị luyện tập sức khỏe tại nhà như máy chạy, máy đạp xe… thì cần có sự hướng dẫn và giám sát của người lớn
Trò chơi vận động
Thời gian ở nhà chống dịch, nhiều cha mẹ đã tìm cách tổ chức các trò chơi cho con vừa giúp trẻ bớt buồn chán, giảm bớt thời gian xem tivi, chơi game… bằng cách tăng cường vận động, chạy nhảy. Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể kết hợp cho con vừa học vừa chơi, ca hát, nhảy múa… Đây cũng là cách giúp con giải trí sau những giờ học.
Làm việc nhà
Không nên bỏ qua những công việc hàng ngày như quét nhà, nấu cơm, rửa bát… hay trông em. Làm việc nhà cũng là cách khuyến khích trẻ hoạt động, rèn kỹ năng tự lập, đồng thời biết chia sẻ, giúp đỡ cha mẹ.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì điều quan trọng vẫn là cha mẹ, ông bà... duy trì sự quan tâm và giao tiếp cởi mở với con trẻ. Kiên nhẫn, bao dung, lắng nghe những nhu cầu của trẻ. Ngoài để ý những thay đổi cảm xúc và hành vi của con cái, người lớn hãy là nguồn hỗ trợ để giúp trẻ ứng phó cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận với sự trợ giúp chuyên nghiệp, các đường dây nóng khẩn cấp khi cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!