Khó trong khâu làm thủ tục đề nghị hỗ trợ
Chuyện người lao động phải khai đi khai lại vì thiếu - sai thông tin là bình thường, chưa kể người lao động còn mất thời gian để đi xin xác nhận. Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi nhận hồ sơ gộp 3 tháng.
Chỉ cần lao động xác nhận chưa đúng, họ phải làm lại từ đầu. Chưa kể là các cơ quan quản lý mỗi lúc lại ra một hướng dẫn khác nhau Với những doanh nghiệp trong một số Khu công nghiệp, thì đến tận tháng 7 mới có hướng dẫn để triển khai
Chậm trong xử lý, phê duyệt hồ sơ
Tại phòng Lao động huyện An Dương, Hải Phòng, chỉ có 2 cán bộ tiếp nhận và thẩm tra tới 13.000 hồ sơ, chủ yếu là gộp cả 3 tháng Mỗi hồ sơ còn phải kiểm tra từng tháng, từng xác nhận đúng quy định.
Còn tại huyện Văn Lâm, để xử lý xong hơn 30.000 hồ sơ, từ đầu tháng, cả phòng phải tập trung người và phải làm thêm tối để giải quyết.
Thậm chí có những địa phương tính đến những phần mềm hỗ trợ. Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay: "Tôi cũng đã giao cho Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát lại hệ thống phần mềm và có những hỗ trợ để giảm gánh nặng cho các địa phương cho khâu nhập liệu".
Nhiều địa phương chưa giải ngân đồng nào
Tính đến ngày 12/8, theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên cả nước, số tiền được đề nghị hỗ trợ mới đạt 33%, số được phê duyệt lại chỉ gần 21%, còn lượng giải ngân như đã nói, mới chỉ hơn 12%.
Nhiều người lao động gặp khó khăn và chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Ảnh minh họa.
Xét trên cả nước, người lao động tại 59/63 tỉnh thành phố đã đề nghị hỗ trợ. Một số tỉnh giải ngân cao nhất như Kon Tum hơn 72%, Trà Vinh hơn 62%, Lâm Đồng và Ninh Bình là khoảng 50%... Tuy nhiên, có những tỉnh/thành chưa giải ngân được đồng nào như Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên. Một số tỉnh thành giải ngân dưới 1% như Nghệ An, Bình Định, An Giang, Lạng Sơn.
Rõ ràng, từ chính sách cho đến thực tế là một quá trình dài. Gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng nhằm kéo lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhưng sắp đến Tết Nguyên đán tiếp theo rồi mà mọi thứ mới đạt được 1/10. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần ra công điện đốc thúc các địa phương đẩy mạnh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt. Thế nhưng, đâu vẫn hoàn đấy!
Thời gian không còn nhiều, người dân thì trông chờ, còn các địa phương thì lần lữa. Dù chính sách tốt, nhưng nếu không đúng người, không kịp lúc thì lại chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa.
Ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cùng trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!