Áp lực hồ sơ chờ phê duyệt
Chỉ còn vài ngày nữa, ngày 15/8, gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08 cho 3,4 triệu lao động với kinh phí 6.600 tỷ đồng từ ngân sách sẽ ngừng nhận hồ sơ đề nghị. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều tỉnh thành vẫn chưa hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ hỗ trợ, thậm chí chưa giải ngân khoản tiền này.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ nhiều lần ra công điện đốc thúc các địa phương đẩy mạnh tiến độ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và công khai trên báo chí về những địa phương làm tốt và chưa làm tốt nhưng tiến độ giải ngân vẫn rất chậm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là một số địa phương quá thận trọng trong phê duyệt hồ sơ, việc tạm trú yêu cầu công an địa phương xác minh dẫn tới chậm. Còn doanh nghiệp dồn dập nộp hồ sơ vào một thời điểm khiến cơ quan chức năng quá tải, hồ sơ sai lệch thông tin phải chỉnh sửa mất thời gian.
Từ tháng 6, một doanh nghiệp đã bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin nhận hỗ trợ của hơn 300 lao động. Các hồ sơ đều gộp nhận cả 3 tháng. Chuyện lao động phải khai đi khai lại vì thiếu - sai thông tin là bình thường, chưa kể mất thời gian để đi xin xác nhận.
Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi nhận hồ sơ gộp 3 tháng. Bởi chỉ cần lao động xác nhận chưa đúng là phải làm lại từ đầu. Chưa kể là các cơ quan quản lý mỗi lúc lại ra một hướng dẫn khác nhau
Công ty Blucom chỉ có hơn 100 lao động trong diện hỗ trợ nhưng đến tháng 7 mới bắt đầu làm hồ sơ. Trước đó, doanh nghiệp cũng không biết hướng dẫn cho người lao động như thế nào vì số lao động hưởng hỗ trợ chủ yếu nằm trong các khu công nghiệp, các công ty cũng chỉ biết Ban quản lý các khu công nghiệp mà không kết nối thông tin với chính quyền địa phương.
Nhiều doanh nghiệp đã nộp xong hồ sơ, nhưng 3 tuần qua, chưa có trường hợp nào được giải ngân. Với 1/3 lao động ngoại tỉnh thuê trọ, công ty HMT đã nộp hồ sơ và công khai danh sách được nhận hỗ trợ. Nhiều lao động mong ngóng khoản tiền này bởi sớm ngày này thì gánh nặng sinh hoạt sẽ bớt đi phần nào.
Đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà
Những vướng mắc trong xác nhận đã được nhanh chóng giải quyết và một số địa phương tập trung đông lao động ngoại tỉnh đã cơ bản hoàn thành xác nhận hồ sơ, chỉ chờ phê duyệt và chuyển khoản tới người lao động. như Hải Phòng và Hưng Yên.
Từ đầu tháng đến nay, phòng lao động huyện An Dương (Hải Phòng) đang tập trung rà soát, kiểm tra hồ sơ. Dù chiếm một nửa số đối tượng hỗ trợ nhưng chỉ có 2 cán bộ tiếp nhận và thẩm tra tới 13.000 hồ sơ - chủ yếu là gộp cả 3 tháng. Mỗi hồ sơ còn phải kiểm tra từng tháng, từng xác nhận đúng quy định.
Còn tại huyện Văn Lâm (Hưng Yên), số hồ sơ cũng chất đống trong phòng lao động và cơ bản đã được thẩm định xong. Để xử lý xong hơn 30.000 hồ sơ này, từ đầu tháng, cả phòng phải tập trung người và phải làm thêm tối để giải quyết. 15/8 là mốc ngừng tiếp nhận hồ sơ, còn công tác thẩm định, phê duyệt, giải ngân sẽ kéo dài hết tháng 9.
Nỗ lực gỡ vướng mắc
TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai có hơn 2,35 triệu lao động dự kiến hưởng gói hỗ trợ này. Nếu 3 địa phương này hoàn thành việc triển khai chính sách, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng cơ bản thực hiện được. Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh mới chỉ có khoảng 10% số tiền dự kiến chi trả.
Sau những vướng mắc được hoá giải như lấy xác nhận của chủ nhà trọ, thì thời điểm này, TP Hồ Chí Minh lại gặp khó với áp lực tồn đọng hồ sơ ở khâu xét duyệt tại quận huyện và thành phố Thủ Đức.
Liên tục làm việc ngoài giờ, thậm chí làm cả ngày nghỉ cuối tuần trong suốt nửa tháng qua, huy động tổng lực nhân sự của phòng, bổ sung người hỗ trợ nhập liệu là cách mà tổ thẩm định của phòng Lao động Q.7 đẩy nhanh tiến độ xét duyệt hồ sơ lên mức 50 doanh nghiệp/ngày.
Tuy nhiên, với con số hơn 1.300 doanh nghiệp trên địa bàn đã được bảo hiểm xã hội xác nhận, hiện mới chỉ giải quyết được 52 thì áp lực cho những ngày còn lại của tháng 8 còn rất lớn.
Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Q.7, khi chỉ còn 5 ngày nữa là hết hạn nhưng số doanh nghiệp nộp hồ sơ lên quận huyện và TP Thủ Đức để phê duyệt còn rất thấp. Áp lực sẽ không chỉ dừng lại ở khâu thẩm định như hiện nay mà hệ luỵ sẽ còn kéo dài đến những công đoạn tiếp theo.
Tuần trước, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng bổ sung nhân lực cho các tổ thẩm định, đặc biệt là khâu nhập liệu hồ sơ để rà soát tránh trùng lắp trên cơ sở dữ liệu dân cư. Tuy nhiên, việc nhập liệu đòi hỏi độ chính xác cao cũng là 1 thách thức với nhân sự không chuyên. Vì vậy, thành phố tiếp tục có giải pháp mới.
Ngoài ra, Liên đoàn lao động và Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng cùng vào cuộc vừa vận động, vừa giám sát doanh nghiệp sớm hoàn tất việc nộp hồ sơ cũng như thực hiện đúng thời hạn chi trả theo quy định.
Thành phố cũng sẽ xem xét đề xuất của các địa phương về chế tài xử lý doanh nghiệp vi phạm làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.
Hiện các địa phương đã tiếp nhận trên 2,8 triệu hồ sơ và trên 1,9 triệu lao động đã được phê duyệt hỗ trợ, nhưng tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt trên 11%.
Để đẩy nhanh tiến độ và giải quyết các vướng mắc, Bộ LĐ-TB&XH đã cử nhiều đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương. Kinh phí không thiếu bởi đây là nguồn từ ngân sách trung ương, vấn đề là các địa phương cần xóa bỏ các thủ tục hành chính rườm rà và khẩn trương giải ngân nhanh cho người lao động.
Hỗ trợ tiền thuê nhà là chính sách nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động về nhà ở để họ yên tâm làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" nhân lực hiện có và thu hút lao động bỏ về quê khi dịch COVID-19 diễn ra trở lại nơi làm việc.
Chỉ còn 4 ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ tiền thuê nhà trên toàn quốc và hàng triệu lao động đang vẫn đang mong chờ khoản hỗ trợ này và hy vọng, trong tháng 8, những người đủ điều kiện sẽ được nhận khoản tiền thuê nhà.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!