Mới đây, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thành phố đã chủ trì, nghe các quận, huyện, sở, ngành báo cáo về công tác triển khai thực hiện Đề án và các Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Theo thống kê của Thành phố, trên địa bàn hiện có 1.579 chung cư cũ có tuổi thọ hơn 50 năm, chủ yếu được xây dựng vào giai đoạn 1960 - 1990 của thế kỷ trước, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành. Sau khi rà soát, phân loại, có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và 7 nhà thuộc diện nguy hiểm cấp D.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án và các Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Mạc Bình Minh Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mặc dù UBND các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, thế nhưng việc triển khai các công tác liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố còn rất chậm, không đảm bảo tiến độ đã đề ra tại Đề án và các Kế hoạch triển khai Đề án.
Ông Minh nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong quá trình triển khai, trong đó công tác lập quy hoạch là nội dung vướng mắc cơ bản.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị thì một số nhà chung cư hiện trạng không phù hợp quy hoạch. Nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp từ 1 đến 5 tầng, trong khi dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch…
Ông Minh cho rằng, do bị hạn chế bởi số tầng cao công trình, dân số theo quy hoạch nên rất khó đảm bảo tính hiệu quả đầu tư, không hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Một vấn đề nữa là do công tác kiểm định, theo ông Minh, một số nhà chung cư không còn nguyên trạng ban đầu, các hộ dân đã sửa chữa cơi nới gây khó khăn cho công tác kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; UBND các quận, huyện chưa xác định được ranh giới các khu chung cư.
Các quận, huyện có nhà chung cư chưa đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá và kết luận theo quy định Nghị định 69/2021/NĐ-CP (trước đây), nay là Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98/2024/NĐ-CP...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, các dự án đang triển khai đều chậm so với tiến độ được phê duyệt do chủ đầu tư chưa thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư do các chủ sở hữu yêu cầu mức bồi thường quá cao, chủ đầu tư không thể cân đối hiệu quả tài chính; các hồ sơ pháp lý liên quan đến nguồn gốc sở hữu nhà không có nên khó khăn trong việc xác định cụ thể phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước tại dự án...
Sau khi nghe các quận, huyện, sở ngành phát biểu, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng Hà Nội có báo cáo tổng thể đánh giá những tồn tại, nhận diện hạn chế, nêu rõ những quận, huyện còn tồn tại hạn chế, đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại, bất cập trong việc thực hiện ủy quyền, báo cáo UBND Thành phố.
Bên cạnh đó, ông Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng Hà nội coi đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của mình có kế hoạch bao trùm, đề xuất Ban Chỉ đạo, UBND Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: "Việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở tái định cư là nhiệm vụ Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân".
Ngoài ra, ông Tuấn giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội có phương pháp phối hợp hiệu quả với các quận, huyện hướng dẫn trong công tác quy hoạch, chậm nhất trong quý I/2025 hoàn thành đợt 1...
Việc cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ tại thành phố Hà Nội là một nhiệm vụ cấp bách để chỉnh trang đô thị, tái thiết đô thị, song quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Để giải quyết những thách thức này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quyết tâm nỗ lực thực hiện Đề án, hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!