Chây ì nợ bảo hiểm xã hội

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/08/2022 20:11 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ nợ đóng, nhiều doanh nghiệp còn lách luật bằng cách chia nhỏ mức lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nhất.

Sau 2 năm dịch bệnh, số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng. Tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã lên gần 21.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 5% so với số phải thu...

Doanh nghiệp thì có muôn vàn cách để chây ì, trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động.

3,5 tỷ là số tiền một doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm của người lao động. Từ hơn 100 lao động, nay doanh nghiệp chỉ còn 88 người nhưng số tiền đóng bảo hiểm lại tăng lên do nợ mới chồng lên nợ cũ.

Chây ì nợ bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Doanh nghiệp chây ì, trốn đóng bảo hiểm khiến cuộc sống của nhiều người lao động thực sự điêu đứng.

Khi bị thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp vẫn hứa sẽ đóng khoản nợ bảo hiểm xã hội nhưng đến khi nào đóng thì không ai biết.

Dù đang nợ đóng bảo hiểm xã hội nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn trừ khoản này trên tiền lương trả cho người lao động hàng tháng. Vì vậy, nhiều lao động bị bất ngờ khi cần giải quyết các chế độ bảo hiểm.

Do cần việc làm nên nhiều người lao động vẫn chấp nhận, dù biết chủ sử dụng lao động đang nợ đóng bảo hiểm.

Không chỉ nợ đóng, nhiều doanh nghiệp còn lách luật bằng cách chia nhỏ mức lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội ở mức thấp nhất. Điều này gây thiệt thòi cho người lao động khi hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội sau này.

Doanh nghiệp chây ì, trốn đóng bảo hiểm khiến cuộc sống của nhiều người lao động thực sự điêu đứng. Thế nhưng, trong thời gian qua, chưa có 1 vụ việc nào được đưa ra xét xử để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Gần đây nhất là vụ việc công nhân Công ty TNHH Asia Garment kiện ra toà đòi khoản nợ bảo hiểm xã hội 8 tỷ đồng. Thế nhưng sau 1 năm, nhiều công nhân gần như bỏ cuộc vì quá mệt mỏi. Thực trạng này đòi hỏi cần phải sửa luật - thậm chí phải xử lý hình sự đối với chủ sử dụng lao động cố tình nợ, trốn đóng.

Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh từng tập hợp hồ sơ 84 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài chuyển sang công an thành phố đề nghị xử lý hình sự. Sau gần 1 năm, 47 hồ sơ bị trả về với lý do không có dấu hiệu cấu thành tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, 37 hồ sơ khác vẫn chờ xác minh. Đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã nỗ lực đưa nhiều vụ việc tới toà án nhưng đều bị trả lại hồ sơ.

Ngoài xử phạt hành chính, hai "công cụ" là công đoàn kiện ra tòa và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều năm qua hầu như không hiệu quả. Do đó, phải đặt quyền lợi của người lao động lên đầu tiên. Luật Bảo hiểm Xã hội cần có chế tài cứng rắn để răn đe và bịt lại những lỗ hổng của việc chấp hành đóng bảo hiểm xã hội hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước