Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Hành vi bơm nước, tiêm thuốc an thần vào gia súc trước khi giết mổ, tuồn lợn chết, lợn bệnh vào cơ sở giết mổ rồi đem đi tiêu thụ đều có liên quan đến khâu kiểm soát giết mổ.
Trong khi hiện nay, tại các địa phương, ngành thú y chỉ kiểm soát được khoảng 30 - 40% số gia súc, gia cầm giết mổ trên địa bàn, thậm chí một số địa phương không thực hiện việc kiểm soát giết mổ. Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị Kiểm soát giết mổ động vật và Quản lý buôn bán thuốc thú y đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hiện cả nước có hơn 450 cơ sở giết mổ tập trung cho lợn, bò, gia cầm. Đối với các cơ sở này, đa phần đều đảm bảo các yêu cầu an toàn đặt ra đối với một cơ sở giết mổ. Tuy nhiên, đáng nói lượng lớn số thịt gia súc gia cầm trên cả nước lại được giết mổ từ gần 23.000 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Nhưng chỉ 15% số này có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Chỉ 23% cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ. Điều này dẫn đến nguy cơ các sản phẩm thịt chưa kiểm soát được hết chất lượng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Nhìn chung công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế trở ra còn nhiều khó khăn như tập quán chăn nuôi, giết mổ còn phân tán, nguồn nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ việc kiểm soát giết mổ còn hạn chế.
Một số giải pháp được đưa ra tại hội nghị nhằm khắc phục hạn chế tình trạng này như: các địa phương có ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ tập trung. Kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống thú y cơ sở. Có như vậy công tác kiểm soát quản lý hoạt động giết mổ ở các địa phương mới hiệu quả và chất lượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!