Ngoài việc tuyên truyền từ liên ngành Công an, ngành Giáo dục, một số bệnh viện cũng luôn có các biện pháp nâng cao cảnh giác với các bậc phụ huynh, kể cả người thân của các bệnh nhân ở trong viện.
Cách đây vài ngày, khi chị Viên Thị Hà ở quận Hoàng Mai vừa đưa con đến trường học, rồi trở về cơ quan làm việc đã nhận được điện thoại của một người tự xưng là giáo viên nhà trường, báo tin con trai chị bị ngã, bị thương rất nặng, đang phải đi cấp cứu.
Các đối tượng lừa đảo đã dồn các nạn nhân vào trạng thái hoảng loạn, mất bình tĩnh khi con em mình gặp nạn. Chị Hà đã nhanh chóng chuyển 200 triệu đồng cho các đối tượng, thậm chí không kịp gọi điện cho người thân và nhà trường.
Cũng nhận được cuộc điện thoại gấp gáp của một người tự xưng là nhân viên y tế, báo người nhà đang bị thương nặng, đang cấp cứu, cần tiền gấp, chị Thu đã chuyển khoản 35 triệu cho đối tượng.
Sau TP Hồ Chí Minh, các cuộc gọi lừa đảo phụ huynh chuyển tiền cấp cứu con em đang nhập viện đã xuất hiện tại Hà Nội. (Ảnh do Công an cung cấp)
Trước tình trạng trên, một số bệnh viện tại Hà Nội đã luôn phát đi cảnh báo hàng giờ để nhắc nhở người nhà bệnh nhân. Các bệnh viện khẳng định, trong các trường hợp cấp cứu, bệnh viện không bao giờ yêu cầu phải chuyển tiền.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thời gian qua cũng nhận được nhiều cuộc gọi tới đường dây nóng của bệnh viện hỏi con mình có bị chấn thương ở đó không. Cũng nhờ việc kiểm tra chéo này, các phụ huynh đã thoát khỏi bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo.
Các bệnh viện hiện cũng dán thông báo số đường dây nóng và số của ban giám đốc ở nhiều góc của bệnh viện và trên website, fanpage. Nếu người nhà nghi ngờ có thể gọi điện và chỉ khoảng 2 phút sau, bệnh viện sẽ có thông tin chính xác trả lời con mình thực sự có phải đi cấp cứu hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!