Thông tin trên là nội dung trong quyết định mới của TP Hồ Chí Minh sẽ có hiệu lực từ tháng 9. Vấn đề khi được đưa ra lập tức thu hút được sự quan tâm của người dân với nhiều ý kiến khác nhau.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một tuyến đường có vỉa hè rộng hơn 5m nhưng bị các hộ dân tận dụng hết làm chỗ kinh doanh, đậu xe, để biển quảng cáo, người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.
Ở một tuyến đường khác, các hộ dân kinh doanh tràn ra chiếm dụng, việc đi lại rất khó khăn. Chiều rộng tuyến đường dư sức cho xe hơi qua lại mà ngành giao thông lại phải lắp biển cấm theo giờ.
Đa phần người dân đồng tình với tinh thần của quyết định mới của TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng có những ý kiến băn khoăn cho rằng chưa cho thuê mà đã khó quản lý lòng đường vỉa hè thì khi cho thuê liệu có kiểm soát nổi hay không?
Theo Quyết định 32 của thành phố, các tuyến đường cho thuê vỉa hè, lòng đường phải đảm bảo an toàn, trật tự. Đường phải còn tối thiểu hai làn ô tô cho 1 chiều đi và vỉa hè phải dành một phần ít nhất 1,5m cho người đi bộ.
Cũng theo quyết định mới, thành phố sẽ ứng dụng số hoá dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý như dùng phần mềm thu phí, quản lý qua camera và làm các thủ tục online. Dự kiến, việc thu phí có thể mang về khoảng 1.500 tỷ mỗi năm cho ngân sách để duy tu lòng đường, vỉa hè, có thêm nguồn lực để quản lý ngăn nắp hơn.
Sở GTVT cho hay, Quyết định 32 mới chỉ là hành lang pháp lý, còn phải lập đề án thu phí lòng đường vỉa hè với mức phí cụ thể, trình Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua mới chính thức triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!