Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, thiên tai diễn biến khó lường trong những tháng cuối của năm 2022. Rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai khốc liệt những năm trước đây, tại các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, ngoài kho dự trữ chung của từng địa phương, người dân chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu có thể dùng cho cả tháng.
Huyện Phước Sơn là nơi mà năm nào cũng hứng chịu thiệt hại do lũ quét gây ra, có năm, một số xã bị cô lập hàng chục ngày.
Xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn luôn là điểm cảnh báo nguy hiểm trên bản đồ thiên tai của tỉnh Quảng Nam. Mưa lớn luôn kèm với lũ quét, đồng nghĩa với tắc đường do sạt lở và cô lập thời gian dài. Để tránh bị động nếu có tình huống xấu xảy ra, ngay từ bây giờ, gia đình ông Hồ Văn Cáo đã lo tích trữ gần 1 tạ gạo và nhiều thực phẩm thiết yếu khác.
Bị tàn phá từ mùa mưa lũ năm trước, hiện tại, hệ thống giao thông đi 4 xã miền núi của huyện Phước Sơn vẫn chưa khắc phục xong. Dù thời tiết nắng ráo, nhưng việc vận chuyển hàng hóa cũng rất khó khăn. Ngay cả chính quyền địa phương cũng đã lưu ý các chủ tạp hóa tăng cường tích trữ hàng hóa để phục vụ người dân, xem đây là nguồn hàng tại chỗ rất quan trọng, nếu xảy ra cô lập dài ngày.
Do thiên tai liên miên, hầu hết đất lúa nước của người dân miền núi Quảng Nam bị bồi lấp và bỏ hoang khiến người dân không tự chủ lương thực tại chỗ. Trước thực tế này, tỉnh Quảng Nam đã tăng nguồn gạo dự phòng để cấp phát cho nhân dân. Đến thời điểm này, phần lớn gạo hỗ trợ đã về đến kho từng thôn và trường học.
Tỉnh Quảng Nam đã có kịch bản tổng thể để phòng tránh thiên tai địa bàn miền núi. Các khu tái định cư cho người dân bị sạt lở cũng đã hoàn thành. Sân bay trực thăng tại xã Phước Thành cũng đã xây dựng xong. Những nỗ lực này cho thấy chính quyền và nhân dân vùng cao không hề chủ quan trước sự rình rập của thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!