Năm 2022, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/06/2022 20:36 GMT+7

VTV.vn - Theo phân tích, những năm chịu ảnh hưởng của La Nina như năm nay thường có mưa lũ nhiều và phức tạp. Đây là nhận định mới nhất từ các chuyên gia khí tượng thủy văn.

Thiên tai gây ra nhiều thiệt hại trong 5 tháng đầu năm

Thiên tai năm 2022 diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021 là những nhận định mới nhất từ các chuyên gia Khí tượng thủy văn.

Theo thống kê của Tổng Cục Phòng chống thiên tai, trong 5 tháng đầu năm, số người thiệt mạng, mất tích do thiên tai gấp khoảng 2-3 lần so với cùng kỳ của 4 năm gần đây. Trong đó, chỉ riêng tháng 5 vừa qua, số người thiệt mạng, mất tích đã chiếm tới hơn 50% bởi mưa lớn bất thường kèm giông lốc, sạt lở... Chưa kể, người dân còn phải chịu nhiều thiệt hại về tài sản.

Từ 10/5 - 15/5, mưa lớn dồn dập hiếm gặp tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, lượng mưa đã xô đổ các giá trị lịch sử trước đó. Tại Bắc Sơn, Lạng Sơn lượng mưa trong 24 tiếng vượt 200mm, phá vỡ kỷ lục năm 1993. Đây cũng là lượng mưa ngày lớn nhất quan trắc được trong tháng 5 trong hơn 60 năm qua. Nước lũ về nhanh gây ngập sâu hơn 1 mét. Kéo theo đó, lũ quét, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi.

Năm 2022, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán - Ảnh 1.

Lượng mưa ở Hà Nội chiều 29/5 gần bằng trận mưa ngập lịch sử năm 2008. Ảnh: TTXVN

Cuối tháng 5, một loạt các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội ngập nặng do mưa lớn. Tại Thủ đô Hà Nội mưa cường suất rất lớn, nhiều tuyến đường nội thành ngập từ 30-50mm, có nơi ngập sâu tới cả mét, giao thông gặp nhiều khó khăn. Ngập nghiêm trọng khiến nhiều người liên tưởng tới trận lụt lịch sử 2008.

Cũng trong tháng 5, 10 người đã bị sét đánh thiệt mạng ở Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Bạc Liêu.

Theo phân tích thống kê, những năm chịu ảnh hưởng của La Nina như năm nay thường có mưa lũ nhiều và phức tạp.

La Nina là một trong 3 pha của Dao động phương Nam hay còn gọi ENSO, bao gồm giai đoạn nước biển ấm lên gọi là El Nino, giai đoạn nước biển lạnh đi gọi là La Nina và giai đoạn trung hòa.

La Nina xảy ra khi gió tín phong hay gió mậu dịch ở khu vực xích đạo thổi mạnh hơn bình thường. Gió sẽ đẩy dòng nước ấm về phía Tây của Thái Bình Dương. Còn ở phía Đông nhiệt độ bề mặt nước biển sẽ lạnh đi.

Việt Nam nằm ở phía Tây của Thái Bình Dương. Khi có hiện tượng La Nina, Việt Nam sẽ ở gần vùng có nước biển ấm, hơi ẩm dồi dào, thuận lợi cho các dòng không khí đối lưu, mây dông phát triển mạnh và gây mưa. Gió mùa này hoạt động mạnh hơn ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam kéo theo lượng mưa lớn hơn trung bình.

Dự báo thiên tai từ nay tới hết năm 2022

Một lần nữa có thể khẳng định khi hiện tượng La Nina chi phối sẽ khiến cho thời tiết ở Việt Nam có mưa nhiều hơn, thậm chí có nơi có mưa lớn kỷ lục. Về diễn biến mưa cũng như các loại hình thiên tai những tháng cuối năm trên cả nước, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng Phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã có thông tin thêm.

Theo đó, về quy mô lớn, Việt Nam vẫn đang chịu tác động của hiện tượng La Nina kéo dài đến hết mùa hè. Trong những năm La Nina thì cần lưu ý đề phòng mưa lớn cực đoan ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó có các nước Đông Nam Á và Việt Nam.

Năm 2022, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán - Ảnh 2.

Dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam khoảng 4-6 cơn, thấp hơn đến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong những tháng cuối năm.

Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, vùng từ Quảng Trị trở vào lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022. Nguy cơ sạt lở ở vùng núi là rất cao.

Đỉnh lũ năm 2022 trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến cao hơn năm 2021. Các đợt lũ lớn phổ biến tập trung vào nửa cuối mùa lũ - khoảng tháng 8.

Năm 2022, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán - Ảnh 3.

Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3.

Các kiểu sạt lở đất ở Việt Nam

Với dự báo mưa lớn dồn dập về cuối năm, ngoài nguy cơ lũ lên thì sạt lở đất là mối lo ngại hàng đầu và được chia làm 4 loại là sạt, lật, trượt và trượt dòng.

- Sạt chính là các khối đá vỡ ra khỏi vách đá và rơi tự do trong một số trường hợp nảy lên và lăn nhiều vòng trước khi dừng lại.

- Lật là một khối đất đá lớn tự tách ra và lật nhào về phía trước. Điểm nứt vỡ thường nằm ở chân của khối đá.

- Trượt gồm trượt xoay và trượt tịnh tiến, trượt xoay thường xảy ra dọc theo một bề mặt cong. Khi đó, các khối đất đá lăn tròn xuống phía dưới. Trượt tịnh tiến thường xảy ra dọc theo đới đứt gãy. Các khối đất đá tự tách ra trượt thẳng xuống dốc, thường ở tốc độ cao.

- Chảy hay trượt dòng là một dòng bùn, đá tảng, nước và thậm chí cả cây cối chảy xuống dốc với tốc độ cao, đôi khi cuốn theo cả nhà, đây là kiểu sạt lở nguy hiểm nhất.

Năm 2022, thiên tai diễn biến phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán - Ảnh 4.

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở một số tuyến đường, trong đó có tỉnh lộ 128 (đường từ thành phố Lai Châu đi huyện Sìn Hồ) tại Km 43+500 địa phận xã Hồng Thu bị sạt lở ta luy dương với chiều dài khoảng 50m với lượng đất đá lớn và quốc lộ 4H đã gây ách tác giao thông cục bộ và ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Các nhà khoa học của Viện Địa Chất đã xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở trên toàn quốc. Trong đó những khu vực có nguy cơ trượt lở rất cao thể hiện bằng màu đỏ trên bản đồ đó là ở Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Bình, vùng núi Đà Nẵng đến Bình Định và Lâm Đồng.

Sạt lở đất thường diễn ra nhanh, bất ngờ, đơn lẻ tại các vùng đồi núi có kết cấu đất yếu. Vì vậy, công tác dự báo và phòng ngừa gặp khó khăn. Do đó, ngay từ bây giờ, để giảm thiểu thiệt hại, người dân sống ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết trước khi sạt lở đất xảy ra.

- Nếu thấy vết nứt tường nhà, sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, nước sông, suối từ trong chuyển sang đục. Mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, âm thanh lạ trong lòng đất... thì phải tìm nơi tránh trú an toàn.

- Khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường cần nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm

- Cần bảo vệ tính mạng trước tiên. Không lại gần những khu vực đã xảy ra sạt lở đất vì vẫn có khả năng tiếp tục sạt lở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước