Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19

Thanh Phong-Thứ năm, ngày 23/12/2021 12:08 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng

VTV.vn - Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, Đồng Nai là một trong 3 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong đợt dịch COVID-19 vừa, cùng với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương thì Đồng Nai cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với số ca nhiễm luôn ở mức cao, xin ông cho biết hiện nay tại Đồng Nai tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm soát ra sao?

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 này, Đồng Nai bị ảnh hưởng lớn khi số ca nhiễm mới luôn tăng cao và chúng tôi đã làm hết sức mình bằng cách huy động toàn bộ hệ thống chính trị, và người dân tham gia chống dịch. Các doanh nghiệp cũng hết sức ủng hộ và chống dịch ngay tại cơ sở của mình. Họ tham gia cùng nhà nước, chính quyền, đóng góp của cải vật chất và công sức để cùng nhau chống dịch.

Trong giai đoạn qua, chúng tôi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Khi dịch bệnh bùng phát, trong 2 tuần đầu, mỗi ngày có hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 mới, sau đó chúng tôi phải thực hiện giãn cách xã hội triệt để và áp dụng nhiều biện pháp đi kèm để khống chế dịch.

Sau đó, tỉnh cũng nhận ra vấn đề bóc tách F0 không thể thực hiện, nên chúng tôi chuyển qua trạng thái bình thường mới, sống chung với COVID-19, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, hệ thống an sinh xã hội đi song song. Việc giảm các ca nhiễm mới và tử vong là việc phải quyết tâm thực hiện.

Muốn làm được việc này, cơ sở y tế hết sức quan trọng. Phải chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc, các loại sinh phẩm chăm sóc sức khỏe y tế cho F0 tại nhà. Chúng tôi cũng làm quyết liệt và ngành y tế làm khá tốt việc này. Bên cạnh các cơ sở y tế nhà nước, hệ thống y tế tư nhân cũng được huy động tham gia chăm sóc và khám chữa bệnh cho người dân. Song song đó, các địa phương cũng phải chăm lo tốt cho đời sống người dân.

Khi chúng tôi cho các ca F0 cách ly chăm sóc tại nhà. Đây là dạng cách ly diện hẹp nên phải có công tác an sinh hỗ trợ, y tế thuốc men đi kèm. Qua mô hình này tôi thấy hiệu quả, vì vẫn duy trì được hoạt động sản xuất của xã hội. Mặt khác vẫn chủ động kiểm soát tình hình dịch bệnh và việc chăm sóc tại nhà được chu đáo hơn, cặn kẽ hơn. Bệnh nhân nào cần hỗ trợ của y tế thì chúng tôi có số điện thoại đường dây nóng của các y, bác sĩ và còn có đội ngũ tình nguyện viên đến từng nhà cấp phát thuốc cho bệnh nhân.

Tôi cho rằng mô hình này duy trì đến giờ là khá tốt, khá ổn. Theo báo chí, hiện chủng virus Omicron mới đang lây lan nhanh. Đây cũng là nỗi lo của chúng tôi. Vì nếu Omicron kháng tất cả các loại vaccine thì chúng ta phải làm lại từ đầu. Nên chúng tôi đang theo dõi thông tin từ ngành y tế, khoa học để tính toán, xây dựng kịch bản phòng chống chủng mới này để chủ động hơn khi nó xuất hiện tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phát biểu tại một cuộc họp.

Nhìn lại đợt dịch COVID-19 bùng phát vừa qua, ông thấy đâu là thời điểm khó khăn nhất mà cả hệ thống chính trị và người dân phải chung sức nỗ lực vượt qua?

Ông Cao Tiến Dũng: Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các khu nhà trọ công nhân xuất hiện nhiều ca nhiễm. Các công nhân này ở trong các khu nhà trọ không đủ tiêu chuẩn. Mỗi phòng chỉ rộng khoảng 14-15m2, nhưng ở 4-5 người, vệ sinh, ánh sáng không đảm bào. Các dãy trọ cũng chỉ cách nhau lối đi 1,5m - 2m. Do ở đậm đặc như vậy nên khi công nhân bị nhiễm thì gần như cả khu nhà trọ bị nhiễm. Tình trạng lây chéo cho nhau rất nhiều. Khi bóc tách F0, F1 thì mang đi cách ly cả dãy trọ. Nhiều ca bệnh khi khỏi bệnh về lại lây cho người khác do ở cùng ở chung dãy trọ. Việc này làm cho công tác chống dịch rất vất vả.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân. Việc này tỉnh sẽ ra nghị quyết của tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân xóa dần các khu nhà trọ lụp xụp, không đủ điều kiện để chống dịch và sinh hoạt cho công nhân. Việc này sẽ làm từng bước để giúp các công nhân ổn định chỗ ở và ngăn ngừa lây nhiễm nếu dịch quay trở lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Một chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Nai

Chủ trương của tỉnh là không để cho người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc trong lúc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 nhưng việc cấp phát lương thực, thuốc men cho người dân, đôi lúc vẫn còn chậm trễ, khiến họ bức xúc, phản kháng, thậm chí nhiều công nhân đã bỏ về quê, xin ông cho biết nguyên nhân của việc này là do đâu?

Ông Cao Tiến Dũng: Cái khó khăn là người công nhân đi làm thu nhập có giới hạn. Khi dịch COVID-19 xảy ra, họ ở nhà 3 tháng không thu nhập, tất cả chi tiêu đều nhờ vào tiền hỗ trợ an sinh. Mà số tiền này cũng không được nhiều, chỉ 1.500.000 đồng/1 người.

Một số nơi phản ánh qua đường dây nóng nói là không có gạo ăn, không có rau, củ, quả, ăn nhưng khi cho anh em xuống kiểm tra thì trong nhà còn 3-4 bao gạo. Có hộ dân báo lên là con tôi không có sữa uống nhưng khi huyện xuống kiểm ta thì nói loại sữa được cấp phát, không phải loại con tôi hay uống.

Trong lúc dịch đang căng thẳng thì có rất nhiều câu chuyện liên quan đến việc hỗ trợ. Nói thật chúng tôi chỉ đạo hỗ trợ an sinh xã hội rất quyết liệt. Một tổ trưởng không thể lo an sinh hết cho cả khu phố, tôi yêu cầu ít nhất 2 - 3 người một tổ mới lo được. Tất cả địa phương kiểm tra đều có dán bảng số điện thoại. Để khi người dân khó khăn cứ gọi điện là có người xuống hỗ trợ.

Nên các trường hợp người dân ở lại Đồng Nai bị đóì thật sự, tôi dứt khoát không để điều này xảy ra. Việc công nhân bỏ về quê họ có rất nhiều lý do chứ không phải do bị đói mà bỏ về quê. Tôi khẳng định không có chuyện bị đói mà bỏ về quê.

Chính tôi là người giữ công nhân ở lại nhưng họ không chịu, một mực đòi về. Tôi đã trực tiếp chỉ đạo các đồng chí chủ tịch các địa phương, đặc biệt là các khu vực có đông người miền Tây với miền Trung sinh sống.

Trong lúc tình hình dịch bệnh ở Đồng Nai đang phức tạp, nhiều người động viên tôi giữ công nhân lại và tôi tán đồng ý kiến này. Nhưng trong lúc giãn cách xã hội, công nhân vẫn tập trung ra đường rất đông để tạo sức ép với chính quyền,

Cuối cùng khi TP Hồ Chí Minh giải quyết cho công nhân về thì dưới áp lực của tình hình chung Đồng Nai, Bình Dương cũng đành phải cho họ về. Ba tháng họ chưa được về quê, nên khi họ muốn về thì đành giải quyết nhanh cho họ về. Chúng tôi giải quyết cho họ về rất trật tự, có xe đưa về, xe cứu thương, xe cung ứng thực phẩm cũng đi theo để đưa họ về quê một cách an toàn, chu đáo.

Nhiều người không chịu đi ô tô mà đòi đi xe máy, chúng tôi phải huy động cả xe của lực lượng CSGT Công an tỉnh để hộ tống cho họ về nhà an toàn.

Người dân họ thường nghe theo phong trào nên rất nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề này mà chính quyền cần phải giải quyết trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang căng thẳng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 3.

Một điểm cấp phát lương thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 tại tỉnh Đồng Nai

Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Xin ông cho biết tại Đồng Nai việc hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68 được thực hiện ra sao?

Ông Cao Tiến Dũng: Chúng tôi không chỉ hỗ trợ theo Nghị quyết 68 mà bổ sung rất nhiều đối tượng vào để hỗ trợ cho họ. Tại các cuộc họp trình Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để giải quyết thêm các đối tượng chính sách, các quyền của UBND tỉnh, của chủ tịch, tôi cũng sử dụng tối đa để hỗ trợ người dân, chứ Nghị quyết 68 chỉ là kênh của ngân sách thôi. Còn bên ngoài các tổ chức, mặt trận, các doanh nghiệp họ hỗ trợ khá nhiều. Hai kênh này luôn đi song song với nhau. Chúng tôi biết rằng để trên tỉnh phê duyệt theo Nghị quyết 68 sẽ không kịp vì vậy tôi ủy quyền cho các địa phương cấp huyện xem xét, xét duyệt đối tượng. Còn UBND tỉnh lo chính sách, lo tiền đưa xuống.

Hàng ngày, chúng tôi đều họp Ban chỉ đạo đánh giá công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương, và việc rà soát tiến độ thực hiện Nghị quyết 68 là một trong những nội dung Ban chỉ đạo hàng ngày nên việc hỗ trợ người dân theo Nghị quyết 68 làm khá tốt. Hiện nay số tiền chi ra khoảng năm sáu trăm tỷ đồng. Đặc biệt khi công nhân về quê là đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nếu biết số tài khoản, chúng tôi vẫn gửi cho họ. Nếu không, chúng tôi giữ lại đợi khi họ quay lại sản xuất gửi cho họ, không cắt giảm. Đến cuối năm nay nếu không có người nhận nữa mới tính lại sổ.

Hiện nay, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng trong các KCN vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các công nhân làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp? Xin ông cho biết, tỉnh có biện pháp gì để kiểm soát và hạn chế tối đa các ca nhiễm COVID-19 trong các KCN?

Ông Cao Tiến Dũng: Trong tình hình mới, doanh nghiệp sản xuất thì công nhân được đi về nhà chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp phải áp dụng tối đa quy tắc 5K. Mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch phòng chống dịch của mình theo hướng dẫn của Bộ y tế, Bên cạnh đó, y tế cộng đồng, y tế cơ sở, của công lập, tư nhân cũng tham gia vào. Đối với các doanh nghiệp, khi tình hình dịch bệnh đang bùng phát mạnh, chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ và một cung đường hai điểm đến. Đến khi trở lại bình thường mới công nhân được đi về nhà, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo thực hiện 5K trong lúc sản xuất trong nhà máy cũng như ngoài cộng đồng.

Thứ 2 chúng tôi chuẩn bị sẵn các khu các ly khi công nhân bị nhiễm thì chúng tôi liền đưa đi cách ly. Nếu công nhân nào đủ điều kiện cách ly ở nhà thì chúng tôi cho cách ly ở nhà. Với cách làm như vậy nên hiện nay, đã có hơn 80% doanh nghiệp đã duy trì được sản xuất. Chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp. Việc chấp hành quy tắc 5K của người dân trong cộng đồng để tránh lây lan.

Thứ 3 nữa là công tác chăm sóc các F0 phải được thực hiện tốt. Ba cái này làm tốt thì sẽ kiểm soát tốt được dịch trong các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp phục hồi hậu COVID-19 - Ảnh 4.

Công nhân quét mã QR tại một nhà máy trước khi vào làm việc trong KCN Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Xin ông cho biết, tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch, lộ trình như thế nào để từng bước khắc phục khó khăn, phục hồi phát triển kinh tế?

Ông Cao Tiến Dũng: Chúng tôi cũng đã thực hiện các buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp với các ngân hàng, giữa các hiệp hội với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, để lắng nghe những khó khăn của các doanh nghiệp, có những giải pháp tích cực hỗ trợ. Hàng loạt vấn đề của doanh nghiệp, đều đã được chúng tôi xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất thì, phải tạo điều kiện cho công nhân quay trở lại làm việc và hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay của các ngân hàng để tái sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức một hội nghị giữa doanh nghiệp và ngân hàng để 2 bên gặp gỡ xử lý hết các vướng mắc của doanh nghiệp. Mặc khác, chúng tôi tạo điều kiện tối đa về xuất, nhập khẩu. Các chuyên gia nhập cảnh quay lại sản xuất, thì các việc này chúng tôi thực hiện 1 cách đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho các doanh nghiệp quay trở lại bình thường mới.

Đến nay, đã có hơn 90% các doanh nghiệp quay lại hoạt động và đang hoạt động rất tốt. Hiện chúng tôi cũng đang theo dõi hàng ngày những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tôi trực tiếp chỉ đảo để xử lý gọn gàng để đảm bảo hoạt động tốt nhất cho các doanh nghiệp…

Xin cảm ơn ông!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước