Tổ chức Y tế Thế giới, các nhà khoa học và các quốc gia nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023; có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm và khó lường hơn. Do vậy, nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.
Khi mới xảy ra đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương như Australia, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) theo đuổi chiến lược "zero-covid" (không có ca mắc)… bằng cách đóng cửa biên giới, cách ly F1, F2, phong tỏa nghiêm ngặt. Kết quả ban đầu khá khả quan.. hạn chế lây nhiễm tối đa và vài chục ca tử vong.
Thế nhưng, khi biến thể Alpha rồi Delta xuất hiện, những quốc gia này phải chật vật đối phó. Tải lượng virus SARS-CoV-2 ở biến thể Delta cao gấp 1.000 lần so với virus ban đầu. Lúc này, số ca mắc đã lên mức 4 con số mỗi ngày. Việc ngăn chặn đang chậm chân hơn so với dịch bệnh.
Do vậy, tháng 5, 6, 7, Singapore, New Zealand, Đài Loan (Trung quốc) đều phải chuyển sang phòng chống dịch theo cách thích ứng, sống chung COVID-19.
PGS.TS Trần Xuân Bách - Viện Đào tạo Y tế dự phòng, Trường đại học Y Hà Nội nhận định, tình hình kiểm soát dịch COVID-19 ở Việt Nam là tích cực. "Với nỗ lực trên mọi mặt trận, Việt Nam đã triển khai nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hơn 40 triệu lượt vaccine mũi 1 đã được tiêm và một nửa trong số đó đã tiêm mũi 2. Đây là tín hiệu khả quan giúp chúng ta tiến tới có thể triển khai thành công Nghị quyết 128.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn đối mặt với nguy cơ thường trực, thể hiện ở 4 đặc điểm. Đầu tiên là sự các biệt về tình hình dịch ở các địa phương. Hai là, có đợt di biến động dân cư, nhiều người dân có nhu cầu về quê sẽ làm tăng nguy cơ từ địa phương này sang địa phương khác. Ba là, năng lực phát hiện, xét nghiệm ở mỗi địa phương không đồng đều. Và cuối cùng, ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, đâu đó xuất hiện tâm lý muốn thoát ra khỏi ức chế nên có thể xuất hiện sự lơ là, chủ quan", PGS.TS Trần Xuân Bách nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Xuân Bách - Viện Đào tạo Y tế dự phòng, Trường đại học Y Hà Nội. Ảnh: Dân trí
Đánh giá về tình hình chống dịch của Việt Nam cũng như về những chỉ số về nguy cơ dịch bệnh tại Việt Nam đến thời điểm này, TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Vệt Nam cho hay: ‘Đối với đợt dịch thứ 4 hiện nay ở Việt Nam, chúng ta đang thấy số ca nhiễm mới và số ca tử vong đang có xu hướng giảm trong bốn tuần liên tiếp. Đây thực sự là một tin đáng mừng khi các hoạt động kinh tế trên khắp cả nước bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành điểm nóng khác đang được mở lại.
Chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc ngăn chặn thành công các đợt bùng phát COVID-19 thông qua cách tiếp cận toàn xã hội.
Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cam kết bền bỉ của các địa phương thông qua công tác tuyệt vời của các tổ COVID-19 cộng đồng; và tới người dân Việt Nam, vì đã chung tay chống lại đại dịch bằng cách bảo vệ bản thân khi thực hành 5K và tiêm vaccine khi đến lượt mình.
Nhưng xin hãy nhớ rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc. Nếu vẫn có ca nhiễm mới thì không có tỉnh, thành nào là an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn".
TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Vệt Nam. Ảnh: WHO
Như vậy là, tính đến thời điểm này, những nỗ lực trong việc tiêm phủ vaccine COVID-19 đã góp phần đưa mọi thứ dần trở lại trạng thái "bình thường mới". Ngay trong tuần này, Nghị quyết 128 đã đưa ra những quy định hướng dẫn cụ thể về phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch. Theo đó, phân loại cấp độ dịch sẽ dựa trên 4 cấp từ nguy cơ thấp, trung bình, cao đến rất cao tương ứng với vùng xanh, vàng, cam và đỏ. Với những phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô nhỏ nhất (dưới cấp xã) sẽ đảm bảo các kịch bản ứng phó với dịch của từng địa phương, từng ngành linh hoạt, hiệu quả.
THÍCH ỨNG AN TOÀN, LINH HOẠT, KIỂM SOÁT HIỆU QUẢ DỊCH COVID-19
Tại Nghị quyết 128, Chính phủ khẳng định quan điểm: bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
4 CẤP ĐỘ DỊCH:
Cấp 1: Nguy cơ thấp (màu xanh)
Cấp 2: Nguy cơ trung bình (màu vàng)
Cấp 3: Nguy cơ cao (màu cam)
Cấp 4: Nguy cơ rất cao (màu đỏ)
Quy định phân loại 4 cấp độ dịch, nguy cơ từ thấp tới rất cao, tương ứng với màu xanh là mức thấp nhất và đỏ là mức cao nhất. Khuyến khích đánh giá từ quy mô cấp xã hoặc nhỏ hơn.
Quy định nêu rõ ở từng cấp độ dịch, hoạt động nào được phép mở hay chỉ được mở một cách hạn chế. Nhìn chung, ở trạng thái bình thường mới, nhiều hoạt động dân sinh và sản xuất, lưu thông được phép hoạt động. Một số hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, quán bar, Internet, trò chơi điện tử, làm tóc (bao gồm cắt tóc), làm đẹp… sẽ được hoạt động hoặc hoạt động hạn chế, do địa phương quyết định.
Khi dịch có nguy cơ rất cao ở cấp độ 4, hầu hết hoạt động, dịch vụ sẽ dừng tổ chức hoặc hoạt động hạn chế. Riêng lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh; cơ sở sản xuất và đơn vị thi công dự án, công trình giao thông, xây dựng được phép hoạt động.
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ:
Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian
Độ bao phủ vaccine
Khả năng thu dung, điều trị của các tuyến
Tiêu chí đánh giá cấp độ dịch dựa trên: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.
Quy định này được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Địa phương được linh hoạt áp dụng các biện pháp bổ sung cụ thể nhưng không trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân.
Nhiều hoạt động sản xuất, dịch vụ, lưu thông… sẽ được mở cửa trở lại, cho dù địa phương xác định dịch ở cấp độ màu cam - nguy cơ cao và màu đỏ - nguy cơ rất cao. Tuy nhiên sẽ phải có các biện pháp phòng chống dịch tương ứng.
Người dân thích ứng với cuộc sống bình thường mới. Ảnh minh họa: VGP
Ngoài ra, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Vệt Nam cũng đánh giá về việc chuyển trạng thái của Việt Nam "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". ‘Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới đó là chung sống an toàn với COVID-19. Công tác xây dựng Kế hoạch Chiến lược Toàn diện Quốc gia trong bối cảnh bình thường mới đang được tiến hành và chúng tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc hành động chủ động và chiến lược.
Giờ đây, tất cả đều nhận ra rằng COVID-19 sẽ tiếp tục tồn tại. Chúng ta phải tìm cách hướng tới bình thường mới. Để đạt được điều này, chúng ta cần chuyển từ kiểm soát COVID-19 sang 'chung sống với virus'".
Khi chúng ta lập kế hoạch cho tương lai, WHO muốn đưa ra các khuyến nghị sau để giai đoạn chuyển tiếp được diễn ra an toàn:
- Đầu tiên, chúng ta nên nhớ rằng vaccine là một trong những công cụ ta đã có và chúng ta nên có chiến lược sử dụng vắc xin hiệu quả. Cần ưu tiên cho những người có nguy cơ cao bị phơi nhiễm hoặc mắc bệnh nặng. Vaccine nên được tiêm miễn phí vì đây là một phần của các dịch vụ y tế thiết yếu, trong đó bao gồm phòng ngừa và điều trị COVID-19.
- Thứ hai, chúng ta hãy tiếp tục khuyến khích thực hành 5K và các biện pháp y tế công cộng khác.
- Thứ ba, chúng tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Điều này bao gồm việc đảm bảo các lộ trình chăm sóc thích hợp từ chăm sóc tại nhà thông qua các cơ sở chăm sóc sức khỏe đến bệnh viện chuyên khoa tuyến trên.
- TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Vệt Nam.-
Các biện pháp này sẽ đảm bảo rằng COVID-19 sẽ không tiếp tục gây nguy hiểm cho người dân. Những nỗ lực này là rất cần thiết trong việc thích nghi và ứng phó với bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào về y tế công cộng trong tương lai
Singapore cũng được coi là một trong những hình mẫu chống dịch hiệu quả và dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Mới đây quốc gia này đã đề xuất khái niệm "bình thường mới", coi COVID-19 như một căn bệnh "sẽ tiếp tục biến đổi và tồn tại trong xã hội". Việc chuyển sang chế độ "bình thường mới" chỉ có thể thành công nếu đáp ứng các điều kiện: tiêm chủng, xét nghiệm diện rộng, áp dụng các biện pháp phù hợp và nâng cao trách nhiệm xã hội.
THÍCH ỨNG AN TOÀN VỚI COVID-19, CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG MỚI TRỞ LẠI
Ngay sau khi Nghị quyết 128 được ban hành, các ngành, địa phương đã xây dựng các kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Việc đi lại trong giai đoạn "thích ứng an toàn" thuận lợi hơn; Nhiều dịch vụ đã mở cửa trở lại, trong đó có các đường bay nội địa, khởi hành chuyến tàu đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội...
Tại Hà Nội, mọi thứ đã dần trở lại trạng thái "bình thường mới". Người dân đã có thể vào công viên để tập thể dục… sau hơn 5 tháng công viên đóng cửa.
Nhiều dịch vụ và các hàng quán được bán tại chỗ trở lại nhưng phải tuân thủ những quy định về giãn cách, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Sau 2 tuần, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nới lỏng giãn cách, cho đến thời điểm này, hơn 70% doanh nghiệp của thành phố đã hoạt động trở lại. Người dân đã có thể đi chợ mua sắm bình thường…. Những chỉ dấu cho thấy, thành phố cho thấy đang tiến gần hơn đến trạng thái bình thường mới.
Còn tại Đà Nẵng, Khánh Hòa thì bắt đầu từ hôm nay (16/10) phần lớn các dịch vụ được mở cửa trở lại, các hoạt động vận tải sẽ vận hành sau 3 tháng tạm ngưng. Hay đơn giản như việc người dân cũng sẽ được tắm biển trở lại.
"Khi chúng ta tái khởi động các hoạt động kinh tế, chúng ta phải phá vỡ chu kỳ "hoảng sợ rồi lại bỏ bê", và luôn đề cao cảnh giác. Virus SARS-CoV-2 vẫn sẽ còn tồn tại với chúng ta trong một thời gian dài, và chúng ta cần tiếp tục áp dụng tất cả các công cụ mà chúng ta có để không bị đẩy lùi về vạch xuất phát", TS. Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Vệt Nam nói.
WHO tiếp tục khuyến nghị các biện pháp y tế công cộng toàn diện, và với các cá nhân thì hãy tiếp tục tự bảo vệ mình bằng cách tiêm vaccine, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, tránh những nơi thông gió kém, vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp.
Hơn 2 năm qua, chúng ta đang chứng kiến cuộc chạy đua lịch sử của nhân loại trước hàng trăm biến thể của SARS-CoV-2 từ phong toả, giãn cách, truy vết ngăn chặn nguồn lây, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine rồi đến kịch bản sống chung, thích ứng linh hoạt. Tuy nhiên, sống chung không có nghĩa là không có chiến lược phòng chống dịch bệnh mà sống chung phải đi kèm với an toàn. Mọi chiến lược không thể thành công nếu thiếu đi sự cảnh giác, ý thức chống dịch của từng người dân trong cuộc chiến này, không ai an toàn cho tới khi tất cả đều an toàn!
Mời quý độc giả theo dõi chương trình Sự kiện và bình luận ngày 16/10/2021 để hiểu rõ hơn về vấn đề này:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!